Có nên buộc các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm công trình?

Cập nhật 04/04/2014 09:30

Tại buổi hội thảo về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tổ chức tại TP HCM mới đây, có nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình thay vì chỉ khuyến khích mua như hiện nay.

Tại buổi hội thảo về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tổ chức tại TP HCM mới đây, có nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình thay vì chỉ khuyến khích mua như hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc là hợp lý, tuy nhiên nên xem xét ở một số công trình lớn chứ không nên ở tất cả các công trình. Luật cũng cần có quy định cụ thể về danh mục các công trình bắt buộc chủ đầu tư dự án mua bảo hiểm.

Cùng quan điểm với ông Lê Hoàng Châu, ông Trương Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam bày tỏ, trong dự thảo Luật, chỉ mới khuyến nghị chủ đầu tư, nhà thầu tham gia. Điều này nên nâng lên thành bắt buộc, vì ở khía cạnh xã hội, sản phẩm đó được an toàn và được bảo hành. Đối với chủ đầu tư, chỉ cần bỏ ra một kinh phí nhỏ nhưng tài sản của mình lại được bảo vệ.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ nên bắt buộc chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình. Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến việc có nên bắt buộc chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình hay không, trao đổi với PV báo PL&XH, ông Lê Anh Vũ - Trưởng phòng marketing Cty CP BIC Việt Nam chia sẻ, việc quy định này cũng nhằm minh bạch và tốt cho người dân và chắc chắn các doanh nghiệp sẽ ủng hộ quy định này. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét bảo hiểm công trình ở mức độ nào, nếu không quá cao thì doanh nghiệp có thể tham gia được. “Đối với các công trình của Cty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, hầu hết đều mua bảo hiểm. Trong đó mua bảo hiểm an toàn lao động, bảo hiểm công trình dù Nhà nước không bắt buộc, nhưng doanh nghiệp nào cũng tự nguyện, nhằm có lợi cho chính mình”, ông Vũ nói.

Cũng theo ông Lê Anh Vũ, hiện nay việc mua bảo hiểm vướng mắc ở chỗ tính tổng mức đầu tư, vì mua bảo hiểm dưới góc độ nào? Ví dụ như tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt của Nhà nước hay là tổng mức đầu tư thực tế, do vậy cũng cần phải quy định rõ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Cty địa ốc Đất Lành, trước đây nhiều công trình cũng bị bắt buộc mua bảo hiểm công trình. Tuy nhiên không quy định cụ thể từng công trình. Ví dụ như đơn vị tư vấn thì mua hết trong một năm tất cả các công trình; riêng về đơn vị thi công thì mua từng công trình. “Việc quy định bắt buộc các chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình là hợp lý. Bởi lẽ, một số công trình lớn nên mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi có sự cố xảy ra, nếu không thì một số đơn vị không đủ tài chính để đến bù, sau đó bỏ trốn thì khách hàng bị thiệt hại lớn”, ông Đực nhận định.

Bày tỏ thêm về ý kiến bắt buộc mua bảo hiểm công trình, ông Nguyễn Sỹ Hoàn - Chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường chia sẻ, việc bắt buộc các chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình là hoàn toàn đúng, ở nước ngoài thì hầu hết các công trình đều bắt buộc phải mua. Tuy nhiên cũng cần phải phân ra nhiều mức đối với các công trình, tức là suất đầu tư đối với các công trình loại A, B hay C như thế nào?

Trong buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lý giải, trong luật sửa đổi này, một điểm đặc biệt là trong điều khoản về bảo hiểm công trình, khuyến khích các hình thức bảo hiểm để khi công trình bị hỏng hay cần sửa chữa thì người bảo hiểm sẽ làm việc này. Bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm công trình là rất cần thiết và ở một số nước đã áp dụng bắt buộc. “Mua bảo hiểm có nhiều loại, có bảo hiểm do đơn vị thi công mua, loại bảo hiểm chủ đầu tư mua cho công trình đó hoặc là mua bảo hiểm được tính vào giá thành xây dựng thì người dân khi sử dụng công trình sẽ có lợi. Những ý kiến đóng góp về việc bắt buộc hay không đối với mua bảo hiểm công trình cần phải nghiên cứu cụ thể trong điều kiện Việt Nam”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phân tích thêm về vấn đề bảo hiểm công trình, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc này khó vì tùy theo từng loại công trình, ví dụ như các nhà chung cư thì hiện nay quy chế quản lý chưa có, mà chắc gì bảo hiểm đã bán bảo hiểm này. Hơn nữa, lại gắn với lịch sử quản lý và lịch sử đất đai, cơ chế. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, và thường phải phân biệt 2 loại, một loại là chất lượng công trình xây dựng mà do chủ thầu làm thì đã có một khoản tiền đặt cọc, nếu một thời gian công trình không có vấn đề gì thì sẽ rút tiền đặt cọc, còn nếu không thì phải dùng tiền ấy sửa chữa. Còn đối với chung cư vài chục năm khi xuống cấp thì quy chế quản lý thế nào, thuộc ai quản lý và cơ chế tài chính chưa có thì bảo hiểm không thể làm được, thậm chí không đủ tư cách.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN