TP.HCM vừa quy hoạch xong 20 ô phố trong khu trung tâm để đáp ứng nhu cầu về đầu tư cao ốc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TP.HCM vừa quy hoạch xong 20 ô phố trong khu trung tâm để đáp ứng nhu cầu về đầu tư cao ốc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cuối tuần qua, bản đồ quy hoạch 20 ô phố này đã được công khai cho các đơn vị tham dự Cuộc thi Ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm, do thành phố tổ chức.
Mở ra cơ hội đầu tư
Trụ sở của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM nằm trên khu đất khá đẹp: gần các công trình có giá trị kiến trúc bảo tồn như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện thành phố... trên trục đường có giá “đắt đỏ” nhất thành phố - đường Đồng Khởi. Tuy có diện tích chưa đến 5.000m2 nhưng có đến 25 nhà đầu tư muốn xây dựng cao ốc với số vốn lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, thời gian qua có hàng trăm hồ sơ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xin đầu tư vào khu trung tâm thành phố. “Nhà đầu tư sẽ không ngồi chờ Cuộc thi Ý tưởng thiết kế đô thị của thành phố, họ cũng không thể chờ thành phố hoàn thiện hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm; còn thành phố lại không muốn bỏ mất cơ hội đầu tư”, ông Hòa nói.
Do đó, việc quy hoạch 20 ô phố này là nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời thành phố không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư.
Vậy là sau gần hai năm tạm ngưng cấp phép xây nhà cao tầng trong khu trung tâm, thành phố đã chọn cách xử lý cục bộ cho từng ô phố để mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư. Theo quy hoạch, 20 ô phố này phần lớn nằm trong địa bàn quận 1, với tổng diện tích khoảng 50ha, chiếm một phần rất lớn của khu lõi trung tâm thành phố.
Vì vậy, người ta gọi những khu đất này là “đất vàng” - nó sẽ giải được bài toán thiếu cao ốc văn phòng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại... tại khu trung tâm trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Nếu như trước đây “đất vàng” thường “bị giấu” thì nay nó đã được công khai (phần nào). Còn nhớ, cách đây vài tháng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài “té ngửa” khi báo chí thông tin khu Eden và trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo đã “có chủ”. Nhiều nhà đầu tư không thể tìm được thông tin về những khu đất vàng. Hy vọng với quy hoạch 20 ô phố lần này, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội bình đẳng hơn.
Sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy?
Thành phố thu hút đầu tư vào các khu đất vàng nhưng cũng “chắt lọc” nhà đầu tư - chọn những nhà đầu tư có năng lực thật sự. UBND TP.HCM đã đưa ra tiêu chí đấu thầu chọn nhà đầu tư để thực hiện các dự án.
Các dự án cao ốc thương mại, văn phòng, dịch vụ cao cấp, khách sạn... tại khu trung tâm hiện hữu sẽ hạn chế tối đa căn hộ cho thuê, chỉ phục vụ cho tái định cư khi có yêu cầu; với nhà đầu tư nước ngoài còn phải chịu thêm điều kiện là có đăng ký hoạt động tại Việt Nam, có giới thiệu của cơ quan ngoại giao và bảo lãnh của ngân hàng; nhà đầu tư phải hoàn thành dự án trong vòng năm năm...
Những điều kiện mà thành phố đưa ra tuy có khó khăn nhưng chắc chắn có rất nhiều nhà đầu tư sẽ đáp ứng được và những khu đất vàng rồi cũng có chủ. Có điều dễ nhận thấy là, gần 50ha của 20 ô phố đều được quy hoạch thành những tòa nhà cao tầng (có nơi đến 70 tầng) và hệ số sử dụng đất rất cao (nhiều ô phố lên đến 15, 16).
Nghĩa là diện tích sàn xây dựng trong khu trung tâm sẽ tăng lên, kéo theo số người làm việc, mật độ giao thông, khối lượng điện nước phải cung cấp. Môi trường sống sẽ có nguy cơ xấu đi, nếu thành phố không giải quyết tốt được bài toán giao thông, môi trường...
Tại buổi hội thảo cung cấp thông tin cho các đơn vị dự thi của Ban Tổ chức Cuộc thi Ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm TP.HCM, nhiều chuyên gia về quy hoạch tỏ ra lo ngại trước thực trạng giao thông.
Chuyên gia về các vấn đề đô thị Larence Vilson (Úc) nhận xét và đặt câu hỏi: “Người dân thành phố đang bị ám ảnh về tắc nghẽn giao thông. Diện tích đường đã không còn đủ cho phương tiện giao thông, nhưng thời gian tới, chắc chắn lượng xe hơi và xe hai bánh sẽ tiếp tục tăng, thành phố sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?”
Giáo sư Volker Martin, Khoa Quy hoạch đô thị và Thiết kế không gian, trường Đại học Công nghệ Brandenburb, Cottbus (Đức), cho rằng giao thông là vấn đề hết sức nghiêm trọng của TP.HCM. Dù quy hoạch hệ thống giao thông của TP.HCM đến năm 2020 có hoàn thiện, có cầu Thủ Thiêm, có các tuyến metro, các đường vành đai... thì giao thông vẫn là một vấn đề lớn ở khu trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng việc đầu tư cho hạ tầng ở khu trung tâm là hết sức khó khăn vì chi phí quá lớn. Còn theo ông Nguyễn Trọng Hòa, thành phố sẽ hạn chế mở rộng đường, sẽ giải quyết bài toán giao thông bằng giao thông công cộng, bằng đường trên cao... Nhưng khu trung tâm mà làm đường trên cao thì nguy cơ ô nhiễm rất cao mà Bangkok của Thái Lan là một bài học.
Nhiều chuyên gia còn lo ngại rằng, thu hút đầu tư vào khu trung tâm thì sẽ rất khó cho sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì nhà đầu tư sẽ không còn quan tâm đến Thủ Thiêm nữa.
20 ô phố tập trung đầu tư trong khu trung tâm:
1. Tứ giác Bến Thành
2. Tứ giác trường Ernst Thallman
3. Tứ giác Bệnh viện Sài Gòn
4. Tứ giác Eden
5. Khu đối diện Khách sạn Park Hyatt (nhà hàng Lion, Hoàng Long...)
6. Khu đối diện Khách sạn Park Hyatt (Nhà máy In Trần Phú, Hải quan...)
7. Khu đất Nhà máy Bia Sài Gòn
8. Khu đất Sở Văn hóa Thông tin
9. Khu chợ Dân Sinh
10. Khu tứ giác Mã Lạng
11. Khu 129-131 Cô Giang
12. Góc Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh (Tổng công ty Lương thực miền Nam)
13. Sở Giáo dục và Đào tạo
14. 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai
15. CLB 257 Trần Hưng Đạo
16. Nhà máy Đóng tàu Ba Son|
17. Khu đối diện Thương xá Tax
18. Chợ Bến Thành
19. Các ô phố quanh chợ Bến Thành
20. Khu Pasteur, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng.
Theo QUANG CHUNG - Thời báo Kinh tế Sài Gòn