Có đường dây chạy sổ đỏ, Bộ trưởng biết không?

Cập nhật 30/09/2014 13:21

“Người dân nghi ngờ là có đường dây chạy sổ đỏ cho hộ dân sống ở chung cư. Bộ trưởng có biết không?” Câu hỏi này chỉ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời "vòng vo", nhưng chí ít đã chạm đúng tới một vấn đề rất bức xúc của nhiều người dân.

“Người dân nghi ngờ là có đường dây chạy sổ đỏ cho hộ dân sống ở chung cư. Bộ trưởng có biết không?” Câu hỏi này chỉ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời "vòng vo", nhưng chí ít đã chạm đúng tới một vấn đề rất bức xúc của nhiều người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang liên quan đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào sáng hôm qua (29/9), ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu câu hỏi: “Ở Hà Nội, người dân sống ở chung cư, muốn có sổ đỏ phải “bôi trơn” ít nhất 8 triệu đồng”.

Nhắc lại vụ việc tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại thôn Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), trong đó có cả việc cấp sổ đỏ cho người chết mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, ông Cương khẳng định hiện tại có rất nhiều tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ.

Theo phản ánh của ông Cương, tại Hà Nội, nhiều khu chung cư đã giao nhà cho người dân từ rất lâu, người dân sinh trong nhiều năm trời nhưng cả chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước về đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường không đả động gì đến việc sổ đỏ.

Tuy nhiên, do phải thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc cấp sổ đỏ cho người dân nên gần đây chủ đầu tư và Sở Tài  nguyên và Môi trường bắt đầu xúc tiến việc này.

“Vấn đề nằm ở chỗ, do quy định cấp sổ đỏ cho khu chung cư là phải cấp cho toàn bộ hộ dân sống cho tòa nhà chứ không cấp đơn lẻ cho từng chủ hộ. Lơi dụng quy định này, cơ quan quản lý nhà nước thông qua chủ đầu tư yêu cầu người dân phải nộp 8 triệu đồng nếu muốn được cấp sổ đỏ. Ai chấp nhận bỏ 8 triệu đồng (không có bất cứ giấy tờ gì xác nhận) thì được cấp sổ đỏ và ngược lại thì không được cấp”, ông Cương nêu hiện tượng.

Ông Cương phản ánh tiếp: “Rất nhiều người dân không chịu khoản “phí” vô lý này nên đã đến Sở Tài nguyên và Môi trường để hỏi cho ra lẽ. Nhưng đến Sở thì được hướng dẫn xuống bộ phận một cửa để giải quyết. Xuống bộ phận một cửa thì được trả lời là không biết vì họ không tiếp nhận hồ sơ”.

“Người dân nghi ngờ là có đường dây chạy sổ đỏ cho hộ dân sống ở chung cư. Bộ trưởng có biết không?”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi thẳng thắn.

Tuy nhiên, thay vì trả lời trực diện vào câu hỏi của ông Cương, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang vòng vo rằng, hiện tại trên địa bàn cả nước đã có trên 83% diện tích đất đai, nhà ở được cấp sổ đỏ. Hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực đúng là có do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc cấp số đỏ chậm nên nhiều người dân “sốt ruột” hoặc cần sổ đỏ để giao dịch (cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng…) có thể đã phải trả thêm các khoản tiền chi phí ngoài quy định.

“Việc cấp sổ đỏ cho người dân sống ở khu chung cư rất phức tạp, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đã cử nhiều đoàn làm việc với Hà Nội và một số địa phương khác về ấn đề này nên tiến độ cấp sổ đó đã có chuyển biến tích cực”, ông Quang nói.

Không hài lòng với cách trả lời về việc có hay không người dân phải bỏ ra ít nhất 8 triệu đồng làm “phí bôi trơn” mới được cấp sổ đỏ đối với căn hộ chung cư, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Bùi Thị An hỏi lại: “Bộ trưởng cho biết có tình trạng tiêu cực trong cấp sổ đỏ không? Nếu có thì mức độ ra sao để chúng tôi trả lời cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới đây”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc lại. “Liệu có biểu hiện tiêu cực trong cấp sổ đỏ, có đường dây chạy sổ đỏ như Đại biểu Quốc hội phản ánh hay không, như dư luận xã hội đã phản ánh hay không, đề nghị Bộ trưởng cho biết”.

Dường như không nắm được tình hình thực tế ngay tại địa phương mà mình đang sinh sống, nên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ có thể khẳng định: “Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội làm rõ nghi vấn”.

Một vấn đề khá nhạy cảm nữa cũng được nhiều Đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đó là việc ban hành khung giá đất.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ xây dựng khung giá các loại đất ổn định 5 năm. Căn cứ vào khung giá đất này, UBND cấp tỉnh trình HĐND thông qua giá của từng loại đất trên địa bàn hàng năm. Giá đất do địa phương ban hành là căn cứ để tính tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tất cả các thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến đất đai mà tổ chức, cá nhân phải nộp vào ngân sách.

“Các địa phương đang rất lúng túng vì đến thời điểm này khung giá đất vẫn chưa được ban hành”, Đại biểu Trương Minh Chiến và nhiều đại biểu Quốc hội khác cho biết.

Giải thích về việc này, ông Quang cho biết, triển khai Luật Đất đai năm 2013, đến nay, Chính phủ đã ban hành hầu hết các nghị định hướng dẫn trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Hiện tại chỉ còn 2 nghị định chưa được ban hành là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đất đai và Nghị định về việc ban hành khung giá các loại đất. Riêng Nghị định về ban hành khung giá các loại đất bị chậm là do phải đợi Chính phủ ban hành Nghị định về giá. Tuy nhiên, trong tháng 9 này chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua”, ông Quang cam kết.

Hôm nay đã là 29/9, tức là chỉ hơn một ngày nữa là sang tháng 10. Không biết Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang có thực hiện được lời hứa không, vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải nhắc khéo: “Bộ trưởng cần lưu ý là sắp hết tháng 9 rồi, liệu có kịp ban hành Nghị định quy định về việc ban hành khung giá các loại đất không”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư