Giao dịch nhà ở giá rẻ có xu hướng tăng nhanh, có chủ đầu tư trong phân khúc này đã không cần vay ngân hàng nhờ huy động được nguồn tiền từ khách hàng.
Chủ đầu tư Dự án nhà ở Cát Tường (Bắc Ninh) hay CT3 Cổ Nhuế (Hà Nội) vừa cho biết, vẫn chưa phải giải ngân hợp đồng tín dụng đã ký với một số ngân hàng thương mại trước đó. Lý do là tỷ lệ các giao dịch thành công tăng khá nhanh khiến dự án thu được nguồn tiền đáng kể để triển khai từ các khách hàng mua nhà.
Dự án Mulbery Lane (Hà Đông) bán được 40 căn trong quý I/2014
|
Không chỉ trong phân khúc nhà ở giá rẻ, thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.300 giao dịch thành công.
Tính riêng quý I/2014 có trên 1.500 giao dịch, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, giao dịch thành công xuất hiện ở nhiều phân khúc, bao gồm cả chung cư thương mại giá rẻ, nhà liền kề giá rẻ và chung cư cao cấp. Trong đó, giao dịch tăng cao tại những dự án nhà ở thương mại có giá bán phù hợp, giao thông thuận lợi, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện như Dự án Times City và Royal City của Tập đoàn Vingroup bán được 378 căn; Dự án Căn hộ chung cư Victoria (Văn Phú, Hà Đông) bán được gần 400 căn; Dự án Chung cư 175 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) bán được gần 70 căn; Dự án Mulbery Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) bán được 40 căn...
Một số dự án nhà thấp tầng có diện tích nhỏ, giá hợp lý (25 - 27 triệu đồng/m2 đất) có lượng giao dịch cao, như dự án Khu nhà ở Ao Sào (Hoàng Mai) do Công ty Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư đã có khoảng 200 giao dịch thành công trong 4 tháng đầu năm 2014. Những dự án nhà ở thương mại có giá thấp, tuy xa trung tâm nhưng có tiến độ thi công đảm bảo và sắp bàn giao cũng có giao dịch tốt như Khu đô thị Tân Tây đô (Hoài Đức).
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, số liệu về giao dịch cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nội có chuyển biến tích cực, lượng giao dịch khá, trong đó có nhiều giao dịch ở các dự án có tồn kho, từ đó đã góp phần làm giảm lượng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Điều đáng quan tâm là giá nhà đang dần ổn định. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thành viên Ban chỉ đạo phân tích, giá nhà trong 4 tháng đầu năm 2014 đã có dấu hiệu chững lại, không giảm tiếp. Thậm chí, một số dự án có vị trí tốt, diện tích nhỏ giá có xu hướng tăng nhẹ như các dự án chung cư Khu đô thị Cổ Nhuế (Từ Liêm) giá khoảng từ 24 – 26 triệu đồng/m2, tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 so với quý IV/2013 do có hạ tầng tốt. Giá giao dịch của Khu đô thị Đại Thanh đang tăng khoảng 1 – 2% so với mức giá của năm 2013.
Cũng theo ông Nam, một số dự án đất nền trước đây giá bị đẩy lên quá cao nay chủ đầu tư chủ động hạ giá xuống để có thể bán hàng. Có thể nhắc tới Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) giá đất nền chủ đầu tư chào bán khoảng từ 18 – 20 triệu đồng/m2; Dự án Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Đông) giá bán đất nền hiện nay khoảng 15 triệu đồng/m2, giảm trên 50% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2010 (30 - 40 trệu đồng/m2).
Xu hướng này còn thể hiện rõ ở mức tăng dư nợ tín dụng cho bất động sản. Quý I/2014, dự nợ tín dụng cho bất động sản đã tăng so với quý IV/2013 sau gần 2 năm giảm liên tiếp. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản quý I/2014 đạt 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2013.
Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 14.865 tỷ đồng, giảm 1,3% so với 31/12/2013 và chiếm tỷ trọng 5,6% so với tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư - kinh doanh bất động sản. Tương ứng, dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị là 49.334 tỷ đồng, tăng 0,7%, chiếm tỷ trọng 18,5%; dư nợ cho vay xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê là 35.151 tỷ đồng, tăng 1%, bằng 13,2%.
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu đối trong lĩnh vực này đến cuối tháng 2/2014 là 3,6% (giảm so với mức 3,38% tại thời điểm 31/12/2013). Theo ông Tiến, đây là tín hiệu đáng mừng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư