Cò, đầu cơ bất động sản tái xuất

Cập nhật 30/05/2014 15:28

Bất động sản (BĐS) đang bị làm giá, thị trường cũng xuất hiện yếu tố đầu cơ và nếu không sớm xóa bỏ hiện tượng này, nó sẽ tác động xấu đến yếu tố tâm lý của người mua nhà – một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS ế ẩm, đóng băng kéo dài.

Bất động sản (BĐS) đang bị làm giá, thị trường cũng xuất hiện yếu tố đầu cơ và nếu không sớm xóa bỏ hiện tượng này, nó sẽ tác động xấu đến yếu tố tâm lý của người mua nhà – một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS ế ẩm, đóng băng kéo dài.

Chung cư CT2 Cổ Nhuế đang được rao bán với mức chênh 6 - 7 triệu đồng/m2.

Báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khởi sắc, giá BĐS không giảm, thậm chí còn tăng tại một số địa phương, thanh khoản được cải thiện đáng kể khi vốn tín dụng vào lĩnh vực này tăng tới 34% trong 4 tháng đầu năm 2014. Điều này có được là do niềm tin của người mua nhà – một trong những yếu tố khiến những nỗ lực giải cứu thị trường không phát huy hiệu quả - được cải thiện.

Điều này cũng được ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định: "Thị trường sẽ tiếp tục ấm hơn, do đó giá bán sẽ nhích lên, bởi thực tế tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có một số dự án tăng giá. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, giá đã rất sát với giá trị thực của sản phẩm".

BĐS khởi sắc, thanh khoản trên thị trường được cải thiện có thể xem là những tín hiệu hết sức đáng vui mừng không chỉ riêng với lĩnh vực này mà với cả nền kinh tế. Như đã biết, mấy năm gần đây, BĐS luôn được nền kinh tế, giới chuyên gia gọi là “khối u nợ xấu”, là “nấm mồ chôn tiền của nền kinh tế”… và cũng chính là lực cản lớn nhất đối với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Sự khởi sắc của thị trường này sẽ góp phần không nhỏ giải quyết khó khăn cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép… và đặc biệt là ngân hàng.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra 2 nguyên nhân đã đẩy thị trường BĐS giai đoạn 2011 – 2013 lâm vào cảnh khó khăn, đóng băng là do yếu tố đầu cơ, làm giá, điều này không chỉ khiến giá BĐS bị đẩy lên cao, vượt xa khả năng tài chính của người mua mà còn tác động hết sức tiêu cực đến tâm lý của khách hàng.

Khảo sát của PV trên thị trường BĐS Hà Nội thời gian gần đây cho thấy, giới đầu cơ, thao túng, làm giá BĐS đã tái xuất thị trường, và điều này đã đẩy giá căn hộ tại không ít dự án vượt xa giá mà chủ đầu tư đưa ra rất nhiều, có khi lên tới 6 – 7 triệu đồng/m2. Ví như tại dự án CT3 Cổ Nhuế chẳng hạn, mặc dù khách hàng không thể mua trực tiếp căn hộ từ chủ đầu tư, với giá gốc nhưng hoàn toàn có thể mua được từ các Văn phòng, Trung tâm môi giới nhà đất hay Sàn giao dịch bất động sản. Và tất nhiên, để làm được điều này, khách hàng sẽ phải trả một khoản tiền chênh lệch không hề nhỏ.

Tại dự án CT3 Cổ Nhuế hầu hết các căn hộ ở đây đã được đặt mua, tuy nhiên, nếu ai muốn mua thì có thể mua lại từ những “khách hàng” không có nhu cầu sử dụng nữa, với mức 27 triệu đồng/m2.

Nhìn nhận hiện tượng này, ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng TNP khuyến cáo: BĐS vừa mới khởi sắc, thanh khoản của thị trường và tâm lý người tiêu dùng cũng được cải thiện nhưng còn rất mong manh. Và nếu điều này này không được củng cố, những tín hiệu lạc quan này khó có thể tồn tại lâu dài, bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho đà phục hồi của thị trường BĐS.

Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù thị trường BĐS đang xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan nhưng nó không bền vững, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro có thể đẩy thị trường trở lại trạng thái “ngủ đông” bất kỳ lúc nào. Thị trường BĐS vì thế cần phải “làm sạch”, không để tình trạng đầu cơ, làm giá để “sống khỏe, sống bền lâu”!

DiaOcOnline.vn - Theo PetroTimes