Mặc dù khó khăn, nhưng thu nhập của một nhân viên kinh doanh BĐS có thể lên tới 1 tỷ đồng/tháng nhờ hoa hồng các phi vụ giao dịch. Mức thu nhập đó chưa phải là cao, bởi với những người làm nghề môi giới lâu năm còn có mức thu nhập cao hơn nhiều.
“Với mức hoa hồng 3%, chỉ cần bán được một căn biệt thự 30 tỷ, nhân viên kinh doanh có thể lĩnh ngay gần 1 tỷ đồng”, đó là chia sẻ một phó giám đốc công ty kinh doanh BĐS. Theo tiết lộ của vị lãnh đạo có thâm niên trong nghề hàng chục năm, mức lương cao nhất của một nhân viên kinh doanh công ty ông đạt được là kỷ lục hơn 3 tỷ do bán được 4 căn biệt thự ở Long Biên chỉ trong vòng 1 tháng.
Theo khảo sát, mặt bằng lương trung bình của nhân viên kinh doanh khoảng 3-5 triệu đồng, còn thu nhập chính vẫn dựa vào hoa hồng đạt được. Trung bình mỗi tháng, một nhân viên kinh doanh hiệu quả cũng có thể lĩnh vài chục triệu đồng/tháng.
Thu nhập bằng kinh doanh BĐS vẫn cao
|
Anh Nguyễn Thành Trung, nhân viên CTCP Hoàng Gia Invest cho hay, tháng thu nhập “khủng” của anh cao nhất được 600 triệu đồng do một lúc 5 căn liền kề và 4 căn chung cư cao cấp trong 1 tháng. Từng tốt nghiệp theo học ngành quản trị ở Tokyo (Nhật Bản), nhưng anh Trung lại quyết theo nghề BĐS và đã có 2 năm kinh nghiệm.
Kinh doanh BĐS là nghề có thu nhập cao so với mặt bằng thu nhập của các ngành nghề khác. Trung bình, một chuyên viên môi giới chuyên nghiệp nếu chọn đúng phân khúc thị trường và có kinh nghiệm, giỏi nghề thì thu nhập khoảng 15 đến 25 triệu/tháng là con số có thể thực hiện được.
Mặc dù, mức thu nhập tương đối cao nhưng kinh doanh BĐS không phải là ngành dễ kiếm tiền và ai cũng có thể làm được. Anh Trung cho hay, 3 tháng đầu mới vào nghề thì tháng đầu tiền không thu được đồng nào do không thực hiện được hợp đồng mua bán nào cả, tháng thứ 2 và 3 thì được vài trăm ngàn đồng... nhiều lúc cứ gần được thì thương vụ lại "đổ" khiến Trung rất căng thẳng, tưởng chừng không thể tiếp tục.
Dù không bật mí con số chính xác về mức thu nhập hàng tháng, nhưng Trung cho biết khi đã có chút kinh nghiệm, quen với nghề thì để mỗi tháng thu nhập từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng cũng không phải là khó.
Anh Tuấn, một nhân viên kinh doanh của một công ty BĐS ở Khuất Duy Tiến chia sẻ, để bán được hàng, nhân viên kinh doanh phải tìm, chọn lọc khách hàng kỹ càng, rồi tư vấn đủ các vấn đề từ pháp lý dự án đến cả những ưu điểm, khuyết điểm để người mua nhà hiểu. Bên cạnh đó, họ còn phải trầy trật mất công đi lại nhiều lần mới có được một phi vụ thành công.
Thừa nhân sự, thiếu kỹ năng
Mặc dù có thu nhập tương đối cao nhưng thực tế nhân sự cho ngành kinh doanh BĐS vẫn còn yếu. Lực lượng nhân sự một thời đã trở nên dư thừa vì không đủ kỹ năng, còn những người có kỹ năng, được đào tạo chuyên nghiệp thì vẫn còn thiếu. Ngay cả đội ngũ nhân sự giữ những chức vụ quan trọng trong thị trường địa ốc được đào tạo bài bản cũng đang rất khan hiếm.
Ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch Cen Group nhận định, nguồn nhân lực cho mảng này đang thiếu. Nhân viên kinh doanh không yêu cầu tốt nghiệp trường nào, đủ mọi ngành nghề đều có thể làm BĐS, chỉ yêu cầu có tâm huyết với nghề.
Hiện việc đào tạo về kỹ năng bán hàng, đặc biệt là sản phẩm bất động sản của nhiều trường đại học chưa sát thực tế, chủ yếu dạy về các văn bản luật. Do đó, mỗi đợt đơn vị này tuyển dụng đều phải đào tạo lại, tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 70-80% là đáp ứng được nhu cầu.
Nhu cầu nhân sự BĐS còn rất lớn
|
Ông Cao, đại diện BĐS Hoàng Gia Invest (RIDIC) cho rằng, sản phẩm BDS là sản phẩm có giá trị lớn, đòi hỏi người môi giới phải có kiến thức tổng hợp nên phải có trình độ là điều đương nhiên, việc quy định môi giới BĐS phải có bằng ĐH là điều cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là kỹ năng mềm.
Trước việc nhiều người đã phải bỏ nghề kinh doanh BĐS, ông Hưng cho rằng nguyên nhân không thành công do chưa đủ đam mê, chưa nhiệt huyết và thiếu tố chất. “Tố chất rất quan trọng, học giỏi chưa chắc đã phù hợp với việc bán hàng và kinh doanh hay có tố chất nhưng chưa đạt tập trung cao cũng khó thành, điều quan trọng đó là nhiệt huyết với nghề”, ông nói.
Một nhân viên kinh doanh tiếp thị phân phối dự án BĐS đòi hỏi am hiểu nhiều kiến thức về lĩnh vực BĐS, kiến trúc, quy hoạch, pháp lý,… Ngoài ra, vấn đề về ngoại hình hay đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng.
Không chỉ thay đổi ở mảng nhân sự cao cấp mà thời gian gần đây các doanh nghiệp BĐS cũng ồ ạt tuyển dụng nhân viên, đặc biệt là các sàn BĐS tuyển môi giới. Một sàn tại Hà Nội vừa đưa ra mục tiêu 10.000 giao dịch trong năm 2015 và chương trình tuyển dụng thêm 1.000 nhân sự trong 3 tháng cuối năm 2014.
Đánh giá triển vọng trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, theo các chuyên gia cơ hội cho các bạn trẻ còn rất lớn nhưng con đường để tới được hoa hồng còn lắm chông gai và đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết. Để thị trường phát triển bền vững, việc cần làm ngay thời điểm này là thay đổi chất lượng nhân sự bằng công tác đào tạo bài bản và có chuyên sâu.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef