Chuyên gia khuyên người dân thận trọng khi mua nhà

Cập nhật 18/05/2009 16:40

Các chuyên gia nhà ở Bộ Xây dựng đưa ra lời khuyên, người mua nhà đất cần tỉnh táo xem xét kỹ những thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản gắn với chính sách của Nhà nước trước khi thiết lập...

Các chuyên gia nhà ở Bộ Xây dựng đưa ra lời khuyên, người mua nhà đất cần tỉnh táo xem xét kỹ những thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản gắn với chính sách của Nhà nước trước khi thiết lập hợp đồng mua bán.

Đánh giá của các chuyên gia bất động sản, nhu cầu nhà đất của người dân còn rất lớn nhất là tại các thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội, thông tin liên quan đến chủ trương rà soát chặt chẽ 744 dự án, trong đó có cả trăm dự án nhà đất đô thị đã mách bảo người dân có nhu cầu cần thận trọng khi mua nhà, đất ở.

Thận trọng với nhà, đất của dự án chậm tiến độ

Thị trường nhà, đất trầm lắng cùng với những khó khăn về kinh tế thời gian qua đã loại bỏ những nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp trên thị trường địa ốc.

Có hai lý do tác động đến vấn đề nhà đất, đó là: Tác động hữu hiệu của gói kích cầu, ngân hàng cho vay trở lại đối với các dự án bất động sản. Nhưng trong khi các chủ đầu tư không trường vốn, chỉ dựa nguyên vào nguồn vốn vay ngân hàng thì chưa thể làm cho thị trường nhà đất ấm lên được.

Ngược lại, chủ dự án còn phải chịu sức ép rất lớn về vốn đầu tư. Mặt khác, dù các ngân hàng cho vay nhưng việc đầu tư này là có chọn lọc. Hầu hết các khoản cho vay đều được các ngân hàng thẩm tra kỹ đối tượng vay, vị trí dự án và đặc biệt là tính khả thi của dự án bất động sản đó có liên quan đến việc thu hồi vốn và lãi của ngân hàng.

Đối với thị trường nhà đất Hà Nội, lý do khá quan trọng tác động tới tâm lý của người dân có nhu cầu là thông tin rà soát các dự án nói chung, dự án bất động sản nói riêng trong vùng Hà Nội mở rộng. Có quá nhiều dự án nhà, đất đô thị hình thành trước thềm hợp nhất, nhưng cho đến nay chưa thể triển khai khiến lo ngại của người dân là có cơ sở.

Hiện tượng bán tháo nhà, đất trong các dự án mới dừng ở mức được phê duyệt ở một số khách hàng đã xuất hiện. Những vụ chuyển nhượng nhà đất (thực chất là trên giấy) chủ yếu nằm ở một số dự án khu vực Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh và mấy xã thuộc Hòa Bình mới về Thủ đô.

Bên cạnh đó, thông tin cơ quan điều tra đang làm rõ một số vụ lừa đảo khách hàng qua các dự án nhà đất khu vực Hà Tây (cũ) cũng ảnh hưởng tới tâm lý của người dân khi mua nhà.

Tuy nhiên, không phải dự án bất động sản nào cũng trầm lắng. Tại một số dự án nhà đất bám theo dọc đường Lê Văn Lương kéo dài, khách mua nhà đất vẫn đông.

Theo cán bộ quản lý khu đô thị Dương Nội, thời gian qua 400 lô đất liền kề và 300 lô biệt thự đã bán hết. Tại đô thị Cổ Nhuế, đơn vị này cũng đã bán hết một đơn nguyên nhà 13 tầng. Giá căn hộ tùy theo diện tích, có mức từ 1,05 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng. Khu đô thị Văn Khê cũng được người dân quan tâm, vướng mắc hiện tại là nhiều khách hàng không muốn đàm phán tăng giá so với cam kết ban đầu.

Giải thích nguyên nhân, một chuyên gia bất động sản cho biết: Khách đến tham khảo thực địa thấy hạ tầng đường, vỉa hè... của dự án đúng tiến độ; cộng thêm các giai đoạn đóng tiền phù hợp khiến họ yên tâm đầu tư.

Mua nhà, đất như thế nào là phù hợp


Dấu hiệu mới nhất, là hầu hết khách có nhu cầu nhà đất hiện nay đều thiết lập hợp đồng mua trực tiếp với chủ đầu tư (còn gọi là đầu tư sơ cấp). Không nhiều hợp đồng được bán cho các nhà đầu tư thứ cấp, vì người có nhu cầu nhà đất thực sự rất ngại qua khâu này.

Phần nữa, không ít dự án với lời hứa hẹn của chủ đầu tư "chắc như đinh đóng cột", nhưng sau thời gian dài dự án không tiến triển được. Một số chung cư cao tầng trên đường Trường Chinh, đường Cầu Giấy... của Hà Nội vì nhiều lý do, nhận tiền của người dân đã lâu nhưng cũng chưa thể hoàn thành, trao trả căn hộ.

Trong bối cảnh như vậy, người dân có nhu cầu nên mua nhà đất như thế nào? Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dương, người mua nhà đất cần trở thành khách hàng thông thái ở ba yếu tố: Thứ nhất, là cần xem xét kỹ vị trí bất động sản. Đây là vấn đề rất cơ bản, khu nhà đất định mua nằm ở vị trí nào trong khu đô thị, gần đường, cảnh quan, phố, quy hoạch hạ tầng... ra sao. Tuy nhiên, yếu tố này hầu hết chưa được thẩm định mà chủ yếu giữa chủ đầu tư và khách hàng tin nhau.

Thứ hai, người mua bất động sản cần quan tâm đến giấy tờ pháp lý của dự án. Những dự án có đủ giấy tờ như sổ đỏ, sổ hồng, quyết định giao đất, triển khai đúng tiến độ, đúng quy hoạch... thì mới đáng tin cậy, đầu tư. Qua tìm hiểu của chúng tôi, đây là vấn đề nan giải nhất đối với nhiều dự án khu vực Hà Nội mở rộng.

Mặc dù có quyết định phê duyệt của một số địa phương trước đây, nhưng nhiều dự án chưa thể triển khai vì chờ rà soát, nếu không phù hợp với quy hoạch chung Hà Nội thì phải thay đổi; và vấn đề còn lại, là trước khi mua, người có nhu cầu nên tham khảo những người đã mua trước về dự án đó, chủ đầu tư bất động sản đó một cách chắc chắn.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng theo hướng có lợi đối với người có nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn. Đó là chủ trương làm nhà ở cho công nhân, học sinh sinh viên thuê, nhà cho người có thu nhập thấp đang được Chính phủ triển khai rộng khắp. Giá căn hộ (chừng 50m2) chỉ ở mức 165 đến 200 triệu đồng đã là cú hích trên thị trường nhà đất.

Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ tiền, cho 500 ngàn người nghèo vay vốn ưu đãi để làm nhà ở. Trong lúc khả năng tài chính có hạn, tâm lý người dân có thu nhập thấp tại Hà Nội đều hy vọng số lượng nhà giá rẻ gia tăng sẽ thuận lợi cho việc mua sắm một căn hộ vừa với sức mua của gia đình.

Các chuyên gia nhà ở Bộ Xây dựng đưa ra lời khuyên, người mua nhà đất cần tỉnh táo xem xét kỹ những thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản gắn với chính sách của Nhà nước trước khi thiết lập hợp đồng mua bán; đồng thời, đối chiếu với các quy định hiện hành, xem điều kiện của mình, gia đình mình có nằm trong diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội đang triển khai để làm thủ tục mua hoặc nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân