Một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra và cũng được Chính phủ đồng thuận đó là việc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhằm mục đích giảm giá bán sản phẩm và tăng quỹ nhà ở xã hội đồng thời kích thích giải phóng hàng tồn kho.
Một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra và cũng được Chính phủ đồng thuận đó là việc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhằm mục đích giảm giá bán sản phẩm và tăng quỹ nhà ở xã hội đồng thời kích thích giải phóng hàng tồn kho.
Việc các chủ đầu tư bất động sản chú trọng nhiều vào việc xây dựng căn hộ trung và cao cấp, trong khi đó nhu cầu người dân về căn hộ bình dân lại bị lãng quên khiến cho thị trường rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Đây cũng được xem là căn nguyên khiến thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Để giải quyết được những vấn đề nan giải của thị trường bất động sản và doanh nghiệp lúc này, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp là chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra một loạt các giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng giải pháp hướng doanh nghiệp bất động sản tập trung vào xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc chuyển đổi theo hướng đối với những dự án đã làm hạ tầng thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội không phải là chỉ 20% như quy định mà có thể vượt con số này. Đồng thời, có thể điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp sang dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, làm như vậy không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn giúp người dân có nhà, cứu nền kinh tế. Khi chuyển sang nhà xã hội, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế sử dụng đất, nên sẽ bớt gánh nặng về tài chính, còn người làm công ăn lương sẽ mua được nhà ở.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay mà nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng khi xin chuyển đổi là thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, cách đây 1 năm, khi thị trường chung cư rơi vào tình trạng khó thanh khoản, doanh nghiệp đã tính đến phương án chuyển sang xây nhà ở xã hội. Doanh nghiệp cũng đã liên lạc với các cơ quan chức năng để xin chuyển đổi dự án từ mục đích thương mại sang làm nhà ở xã hội. Thế nhưng thời gian chờ đợi thủ tục quá lâu khiến doanh nghiệp đành bỏ cuộc.
"Vì chờ đợi quá lâu chúng tôi phải chuyển sang xây nhà ở thương mại. Để khuyến khích doanh nghiệp chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội quan trọng nhất là phải đẩy mạnh thủ tục hành chính bởi vấn đề doanh nghiệp cần là thời gian, nếu quá lâu doanh nghiệp không thể chờ đợi vì sẽ mất cơ hội kinh doanh" vị này cho biết.
Đại diện Công ty Đất Xanh Miền Bắc, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội rất khó cho doanh nghiệp. Có thể là doanh nghiệp đỡ được tiền sử dụng đất nhưng lại bị ràng buộc rất nhiều ở vấn đề thủ tục. Ví dụ, đối với nhà ở thương mại, lợi nhuận chỉ được phê chuẩn ở 10%, giá bán bị khống chế, người mua nhà cũng bị hạn chế bởi các điều kiện mua. Đối với doanh nghiệp bất động sản thì luôn tập trung cho tính thanh khoản, khách hàng và giá cả.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Chủ tịch hiệp hội bất động sản Hải Phòng, việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở thương mại không khó về các động tác nghiệp vụ nhưng khó ở chỗ cơ chế, chính sách. Vì thủ tục khác nhau, chủ đầu tư đang làm nhà ở thương mại đã nộp tiền sử dụng đất bây giờ chuyển đổi mục đích sử dụng cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục
Đại diện doanh nghiệp bất động sản cho rằng, đây là cách giải quyết hay nhưng căn hộ chuyển sang nhà ở xã hội phải có diện tích trung bình trở xuống. Vì nhà ở xã hội có đối tượng riêng do Nhà nước quy định. Khi thực hiện chủ trương này, ngoài việc cân nhắc về nguồn vốn để thực hiện, thì vấn đề thứ hai là cần làm rõ hơn cơ chế để thực hiện.
"Muốn thực hiện loại hình căn hộ này, Nhà nước phải nghiên cứu lại cơ chế để thu hút nhà đầu tư, mặc dù lợi nhuận không nhiều nhưng có hiệu quả thì doanh nghiệp vẫn tham gia" vị này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc xây nhà ở xã hội phải nghiên cứu kỹ nhu cầu, quan tâm đến môi trường, các tiện ích đi kèm, cơ chế quản lý vận hành… chứ không chỉ xây mỗi nhà là đủ. Có như vậy mới hấp dẫn người dân vào ở, tránh tình trạng xây xong không có người vào ở hoặc lại tồn kho như nhà ở thương mại hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia