Trong cuộc họp góp ý cho dự thảo mới đây, các ý kiến vẫn chưa thống nhất. Lãnh đạo TP cho rằng việc đánh số và gắn biển số nhà...
Trong cuộc họp góp ý cho dự thảo mới đây, các ý kiến vẫn chưa thống
nhất. Lãnh đạo TP cho rằng việc đánh số và gắn biển số nhà không là
công việc mang tính hành chính đơn thuần mà còn liên quan và tác động
đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội nên cần được nghiên cứu cẩn
trọng.
Cấp tạm số nhà trước
Một trong những vấn đề được “lật tới lật lui” nhiều lần là việc cấp số nhà đối với các trường hợp xây dựng không phép. Theo quy định, nhà xây dựng không phép trong khu vực cấm xây dựng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép tồn tại và nhà có quyết định giải tỏa, tháo dỡ; nhà xây dựng không phép (XDKP) sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) không phù hợp với quy hoạch là 2 trường hợp không được cấp số nhà.
Sở Tư pháp cho rằng không nên phân thành 2 trường hợp vì nhà XDKP sau ngày 1-7-2004 và không phù hợp với quy hoạch thì sẽ bị tháo dỡ theo Luật Xây dựng.
UBND quận Bình Thạnh góp ý cần xem xét cấp số nhà nếu người dân có nhu cầu tại khu vực đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa triển khai… Sau khi nhận được sự đóng góp của các sở - ngành, quận - huyện, Sở Xây dựng cho rằng nhà XDKP sau ngày 1-7-2004 cần phải chia ra làm 2 loại.
Theo đó, với nhà phù hợp quy hoạch, để công tác quản lý Nhà nước về nhà ở, công trình xây dựng chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được thực hiện các giao dịch hành chính về nhà ở trong khi chưa được TP xử lý thì được đánh và gắn biển số nhà.
Với những nhà không phù hợp quy hoạch thì không được cấp giấy chứng nhận số nhà (kể cả số nhà tạm) nhằm ngăn chặn việc xây dựng tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Còn những khu vực đã có quyết định thu hồi đất và giao đất của cơ quan có thẩm quyền cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không hoặc chậm triển khai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Sở Xây dựng đề nghị nên cho đánh số nhà để không “treo” quyền lợi của người dân.
Trong khi chờ UBND TP thông qua dự thảo quy chế đánh số nhà, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu các quận - huyện tiếp tục triển khai cấp số nhà theo QĐ 1958 của UBND TP trước đây.
Tuy nhiên, một số quận huyện lại băn khoăn vì việc cấp số nhà theo QĐ 1958 có một số khác biệt so với QĐ 05 của Bộ Xây dựng. Nếu thực hiện theo chỉ đạo trên thì sau này thực hiện theo QĐ 05 của Bộ lại phải chỉnh sửa tiếp?
Một số quận lại chủ động cấp thí điểm số nhà dựa trên QĐ 05 của Bộ Xây dựng và dự thảo của Sở Xây dựng TP nhưng trong thời gian thí điểm cấp số nhà mới vẫn giữ số nhà cũ để tạo sự thuận tiện cho người dân trong quá trình chuyển tiếp từ số cũ sang số mới.
Trong khi chờ thống nhất quy chế đánh số nhà, Sở Xây dựng yêu cầu UBND các quận - huyện tiếp tục cấp số nhà theo quyết định cũ của TP, các khu vực mà các quận, huyện cảm thấy không chắc chắn thì cấp tạm số nhà cho dân, chờ UBND TP ban hành quyết định mới sẽ hợp thức số nhà sau.
Áp dụng thống nhất hay chỉ vài nơi?
Căn cứ vào QĐ 05 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP vừa trình UBND TPHCM dự thảo quyết định quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP.
Phạm vi áp dụng của QĐ 05 bao gồm khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn (không phân biệt tập trung hay không tập trung). Một số sở - ngành đề nghị chưa áp dụng đối với khu vực các xã chưa đô thị hóa cho phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Nguyên nhân là do đặc thù của các điểm dân cư không tập trung là không có đường sá, hoặc có đường nhưng chưa được đặt tên, khu vực chưa có quy hoạch chi tiết nên không thể áp dụng việc đánh số theo quy chế này. Tuy nhiên, việc đánh số nhà cho khu vực này không chỉ để dễ dàng cho công tác quản lý nhà nước mà còn là yêu cầu chính đáng của người dân.
Vì thế, không ít ý kiến cho rằng nếu các điểm dân cư nông thôn không tập trung ở khu vực ngoại thành vận dụng được nguyên tắc đánh số nhà theo quy chế này thì cũng nên khuyến khích.
Từ ý kiến này, dự thảo đã điều chỉnh: Quy chế này được áp dụng trên toàn TP trừ những địa bàn dân cư không tập trung. Nghĩa là không còn phân biệt nông thôn hay đô thị nữa mà bất cứ khu vực nào dân cư không tập trung (dân cư thưa thớt, chưa có hệ tầng kỹ thuật như đường sá, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng) thì không cần đánh số và gắn biển số nhà theo quy chế này.
Trong cuộc họp góp ý cho dự thảo mới đây, các ý kiến vẫn chưa thống nhất. Lãnh đạo TP cho rằng việc đánh số và gắn biển số nhà không là công việc mang tính hành chính đơn thuần mà còn liên quan và tác động đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội nên cần được nghiên cứu cẩn trọng. Trước mắt, UBND TP tạm thời thống nhất nguyên tắc đánh số và gắn biển số nhà được nêu trong dự thảo của Sở Xây dựng.
Để có thêm cơ sở thực tiễn nhằm bổ sung, hoàn chỉnh quy định, UBND TP giao các cơ quan liên quan lên kế hoạch khảo sát cụ thể ở 2 quận và 1 huyện, nhất là địa bàn có quá trình đô thị hóa nhanh. Tiếp đến sẽ triển khai cụ thể việc đánh số nhà gắn với việc đặt đổi tên đường trên địa bàn thí điểm, sau đó tham mưu đề xuất kế hoạch đặt đổi tên đường phạm vi toàn TP.
Theo các chuyên gia đô thị, trong khi TP chưa thống nhất việc đánh số nhà tại các khu đô thị hiện hữu thì nên áp dụng quy chế đánh số nhà của Bộ Xây dựng tại các khu đô thị mới đã hoàn chỉnh như khu Nam Sài Gòn (quận 7), khu Thảo Điền (quận 2), khu dân cư Đồng Diều (quận 8)…
Tuy nhiên, việc áp dụng mang tính chất thí điểm này cần phải được sự quan tâm của các sở - ngành một cách đúng mực nhằm bổ sung, hoàn thiện để có thể áp dụng trên toàn địa bàn TP chứ đừng để bị “rơi vào quên lãng” như dự án “mã nhà thông minh” trước đây. Mặt khác, việc chỉnh sửa những đường trùng tên là cần thiết dù sẽ gây khó khăn cho người dân.
Rõ ràng, vấn đề khoa học đặt đổi tên đường phố không hề đơn giản. Vì thế, nếu thiếu sự quyết tâm và chấp nhận những xáo trộn thì người dân lại tiếp tục khổ vì tên đường, số nhà.
Trong khi TP đang thực hiện Quyết định 1958 của UBND TPHCM năm 1998 về việc cấp và chỉnh sửa số nhà tại các quận - huyện theo chiều tăng số nhà từ Đông sang Tây, Nam đến Bắc thì năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 05 về quy chế đánh số và gắn biển số nhà thống nhất trên toàn quốc với chiều đánh số nhà theo hướng ngược lại, từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, Đông Bắc sang Tây Nam, Đông Nam sang Tây Bắc… Đến nay, dự thảo quy chế đánh số và gắn biển số nhà tại TPHCM lần 2 vẫn đang được lấy ý kiến, vì còn quá nhiều tranh cãi…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng