Chuyện dài nhiều tập về số nhà, tên đường - Bài 1: Nhà càng nhiều, số càng loạn

Cập nhật 13/10/2008 01:00

Từ năm 1998, UBND TPHCM đã ban hành quy chế về đánh số nhà, trong đó quy định UBND các quận - huyện có trách nhiệm chỉnh sửa số nhà cũ, cấp số nhà mới...

Từ năm 1998, UBND TPHCM đã ban hành quy chế về đánh số nhà, trong đó quy định UBND các quận - huyện có trách nhiệm chỉnh sửa số nhà cũ, cấp số nhà mới. Đã 10 năm qua, nhưng số nhà trên địa bàn TP vẫn bát nháo: số đang tăng tự nhiên giảm, nhảy cóc, nhà mặt tiền đường nhưng có vài cái xuyệc, nhà đang ở dãy số chẵn lại chuyển sang số lẻ, hai nhà khác nhau có cùng địa chỉ, tên đường vừa số vừa chữ...

Thậm chí, tại một số tuyến đường chỉnh trang có nhà mang số mới, có căn vẫn còn y nguyên số cũ khiến cho số thứ tự các căn nhà “nhảy múa” đến chóng mặt. Đó là chưa kể trên 100 tên đường phố trùng nhau...

Từ đô thị cũ...

Việc chỉnh đổi số nhà nhằm thống nhất hệ thống số nhà và tên đường nhưng do triển khai không đồng bộ nên đã gây không ít phiền toái cho người dân.

Anh C.P. Đặng cho biết, trước đây số nhà anh là 277/85 Minh Phụng quận 11, chỉ cần đến hẻm 277 Minh Phụng là sẽ kiếm ra nhà dễ dàng. Thế nhưng, vào năm 2003, từ khi số nhà của anh bị đổi thành 10/39 đường 277 Minh Phụng thì vị trí nhà anh trở nên “bí hiểm” hơn với người cầm tìm. “Mỗi lần có khách hoặc cần kêu taxi thì người nhà anh thường phải ra đầu hẻm đón vì rất ít người tìm được nhà!”- anh P nói.

Tương tự, trên đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 26 quận Bình Thạnh, sau khi số nhà được điều chỉnh thì có đến hai căn nhà (cách nhau vài trăm mét) mang cùng số 56 Đinh Bộ Lĩnh. Lý do, vì một nhà là công ty, không tiện đổi theo số mới nên cứ để biển số cũ. Hậu quả là thư từ bị chuyển lộn liên tục.

Chủ nhà 56 (số mới) cho biết mỗi lần chỉ nhà đều phải mô tả kỹ nhà của mình để người cần tìm không bị nhầm. Còn người đưa thư hay bưu phẩm thường phải hỏi: “Nhà này có ai tên này không?” cho chắc ăn.

Tình trạng lộn xộn này đã kéo dài rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Tại quận Gò Vấp, từ các đường lớn như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn… đến các đường nhỏ như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tuân… rất hiếm đường có địa chỉ được đánh theo thứ tự. Cụ thể, ở trục đường lớn như Nguyễn Oanh nhưng các số nhà được đánh liên tiếp là 150, 2C – 152A2,152, 152 G2, 148 (2 G)...

Anh Trần Văn Thành – tài xế xe ôm than thở: Mặc dù “nằm vùng” lâu năm tại khu vực này nhưng nhiều khi vẫn phải vòng đi, vòng lại mấy lần mới tìm được nhà. Một số khách “thông cảm” cho thêm tiền, nhưng cũng có người không cho, thôi đành phải bỏ công vậy!”, anh Thành than.

Đường Lê Thị Hồng phường 17 quận Gò Vấp có tới 3 tên được ghi trên địa chỉ nhà, đó là Lê Thị Hồng, Nguyễn Oanh và Trương Minh Giảng (?!). Trên đường Dương Quảng Hàm còn có nhiều nhà ghi hai tên đường khác là 26 tháng 3 và Nguyễn Thái Sơn (?).

Không chỉ tại nội thành, ở ngoại thành, ngay các khu dân cư mới cũng có tình trạng này. Một căn nhà mặt tiền đường Tân Mỹ phường Tân Phú quận 7 mà địa chỉ có đến 4 xuyệc như 6/1A/C/2 Tân Mỹ. Các số nhà liền kề nhau nhưng lại được đánh số cũ, số mới loạn xạ: 5C, 62, 64 , 66, 70, 72, 14, 15…

Anh Kiên, một người dân ngụ tại đường Lê Văn Lương phường Tân Phong quận 7 kể rằng nhà anh ở số 485, nhưng nhà kế bên lại là 491. Một lần có người hỏi địa chỉ 491 nhưng anh không biết để chỉ. Sau khi vòng đi vòng lại, họ tìm ra số nhà 491 ngay cạnh nhà anh. Vị khách kia cứ nghĩ anh “chơi khăm” họ vì không lẽ nhà ngay bên cạnh mà không biết (?!).

...Đến đô thị kiểu mẫu

Cầm trong tay địa chỉ số “9-11 Tân Phú quận 7”, chúng tôi đi thẳng hướng Nam Sài Gòn để đến Ban Quản lý khu Nam. Đi lòng vòng một hồi trong khu Nam nhưng chúng tôi không thể kiếm ra được đường Tân Phú. Rất nhiều lần chúng tôi nhờ các “thổ địa” tại đây là những người chạy xe ôm và tài xế taxi chỉ đường nhưng đều nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy.

Một tài xế taxi còn khẳng định: “Làm gì có đường Tân Phú ở đây, hay là muốn kiếm phường Tân Phú, nếu là phường Tân Phú thì phải đi ngược lại hướng kia…”. Lòng vòng gần cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa kiếm ra đường Tân Phú, đã trễ giờ hẹn hết 30 phút, chúng tôi gọi điện để “cầu cứu” một cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường Ban Quản lý khu Nam nhưng người này cũng “bó tay”.

Sau khi hỏi lòng vòng các nhân viên trong phòng một hồi anh mới xác định và chỉ chúng tôi đến tòa nhà Manulife, sau đó đi thẳng đến cuối đường, quẹo phải và chạy thẳng một mạch sẽ tới. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được Ban Quản lý khu Nam nhưng không khỏi thắc mắc tại sao trên đường Tân Phú hiện không có căn nhà nào nhưng địa chỉ Ban Quản lý khu Nam lại là 9-11 Tân Phú.

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng vừa được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị mẫu đầu tiên của cả nước nhưng việc đánh số nhà cũng lộn xộn không kém. Chạy dọc đường Nguyễn Văn Linh, nơi buôn bán sầm uất nhất của khu Phú Mỹ Hưng, chúng tôi thấy số nhà cũng không theo một trật tự nào.

Có đoạn đánh số thứ tự tăng dần chẵn - lẻ nhưng có những đoạn đang chẵn lại lẻ, đang số ngàn lại giảm xuống số chục. Tại một khu phố ở Phú Mỹ Hưng, các căn hộ ngay mặt tiền đường ghi địa chỉ theo nhiều cách khác nhau với thứ tự lộn xộn, từ 1422 rồi đến 9-1, 18-1, 15-1, 12-1… Có những căn hộ không hề ghi tên đường Nguyễn Văn Linh mà chỉ ghi tên của khu căn hộ đó như 1433 Mỹ Toàn II phường Tân Phong quận 7.

Có căn nhà mặt tiền lại ghi 2 địa chỉ khác nhau: 1433 Mỹ Toàn II phường Tân Phong quận 7 và 1467 Mỹ Toàn I Nguyễn Văn Linh quận 7 (?!?). Giải thích sự lộn xộn này, đại diện Ban Quản lý khu Nam cho biết, nhà tại đây được đánh số theo từng khu. Không biết cư dân ở đấy có thấy tiện hay không chứ với người xa tới như chúng tôi thì quả là quá khó khăn.

Không chỉ số nhà, nhiều con đường trong khu Phú Mỹ Hưng vẫn 2 biển tên đường như: Nguyễn Lương Bằng - E AVE, Tân Phú - A AVE, Tân Trào - EAST 9th Str… Các con đường nội bộ vẫn đặt số, một số khu vực do chủ đầu tư chưa xin cấp giấy chứng nhận nên tên đường vẫn để nguyên theo tên đặt tạm trước đây của chủ đầu tư.

Một cán bộ thuộc Ban Quản lý khu Nam giải thích: “Do người dân tại đây đã quen với những tên đường cũ nên chưa thể bỏ được!”. Cũng theo vị này, mặc dù Phú Mỹ Hưng được chọn là Khu đô thị kiểu mẫu tại Việt Nam nhưng khi nghe các tên đường như: Tôn Dật Tiên, Raymondienne, Morison, Khổng Tử… thì rất nhiều người nghĩ rằng đây là khu “China town” chứ không phải là khu đô thị của Việt Nam.

Trên 100 tên đường trùng nhau

TPHCM có khoảng 100 đường phố (trong tổng số khoảng 1.500 đường phố) trùng tên nhau. Nhiều danh nhân như Lê Lợi, Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Quang Trung được đặt tên cho 3-4 con đường. Có một nghịch lý là hiện nay, quỹ tên đường vẫn còn dư nhưng một số tên đường vẫn trùng nhau và mang những cái tên kỳ lạ.

Mặc dù thời gian qua, TP đã đổi được một số tên đường theo kiểu “chết danh” như: “Đường dọc kênh Nhiêu lộc”, “Bên hông trường mầm non”, “Ven tường rào sân bay”, “Kế xí nghiệp đông lạnh”… nhưng hiện tại quận Tân Bình vẫn còn hàng chục tên đường dạng này.

Một vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, có thể chấp nhận TPHCM có những đường, phố trùng tên trong giai đoạn ngắn vì bất khả kháng, nhưng về lâu dài mà vẫn để tồn tại thì chứng tỏ khoa học về đặt tên đường phố đang thất bại. Hơn nữa, việc để những đường, phố trong cùng một TP trùng tên cũng không phù hợp với quy định của Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về ban hành quy chế đặt, đổi tên đường, phố.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng