Chuyển biến thị trường bất động sản 2013 – sức nặng từ chính sách

Cập nhật 04/01/2014 09:25

Năm 2013 đánh dấu nhiều biến động trên thị trường bất động sản, dấu ấn rõ rệt nhất là những tác động của chính sách kể từ sau Nghị quyết số 02 của Chính phủ và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường đến nay.

Năm 2013 đánh dấu nhiều biến động trên thị trường bất động sản, dấu ấn rõ rệt nhất là những tác động của chính sách kể từ sau Nghị quyết số 02 của Chính phủ và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường đến nay.

Cần gỡ vướng trong thủ tục để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Năm 2013 khởi đầu không mấy thuận lợi với thị trường bất động sản, khi lượng căn hộ tồn kho có giá trị lên tới hơn 112.000 tỷ đồng. Hàng nghìn dự án bất động sản phải đình hoãn do không có cả vốn lẫn khách hàng, kéo theo đó là hàng nghìn doanh nghiệp liên quan gặp khó. Khó khăn của thị trường bất động sản đã rõ nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau. Bộ Xây dựng và các hiệp hội, câu lạc bộ bất động sản kiến nghị Chính phủ cứu thị trường. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng: nên để thị trường tự vận hành.

Tuy nhiên, ngay đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 nêu hàng loạt giải pháp giảm tồn kho, được cụ thể hóa bằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản. Sau hàng loạt động thái, thị trường đã có sự chuyển động từ phía các doanh nghiệp, cụ thể là những dự án nhà ở dần giảm giá bán. Thủ tục tiếp cận cũng đơn giản hơn, giao dịch tại các sàn đã dần sôi động.

Những chuyển động ban đầu đã tạo tâm lý là thị trường đang ấm dần lên, thậm chí đã có những ý kiến nhận định bất động sản đang xuống đến đáy, là thời điểm thích hợp nhất để mua nhà. Thế nhưng, nếu nhìn vào tốc độ giải ngân rất chậm chạp của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và khẳng định của Ngân hàng Nhà nước rằng, không có chuyện ngừng giải ngân gói tín dụng này thì nhiều chuyên gia tính toán, điểm rơi cuối cùng của thị trường bất động sản sẽ là cuối năm 2014. Từ giờ đến lúc đó, các cơ quan chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, cần gỡ vướng trong thủ tục để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng một cách dễ dàng hơn.

Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành phản ánh, các ngân hàng đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại căn hộ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ, nhưng thủ tục để mua lại không đơn giản.

Còn theo Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, đã đến lúc cần xem lại cách thức triển khai gói tín dụng này, cũng như thực tế của các dự án nhà ở xã hội, để tránh lãng phí tiền xây nhà ở xã hội mà không thu hút được người dân đến các dự án này. Bởi giao tất cả trách nhiệm cho các ngân hàng là làm khó họ, trong khi việc rà soát hồ sơ vốn thuộc chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Có thể thấy, những chính sách quyết liệt áp dụng đối với thị trường bất động sản năm 2013 đã phần nào giải quyết những mâu thuẫn đã kéo dài nhiều năm qua. Nhưng theo cảnh báo của các chuyên gia, nguy cơ tranh chấp dân sự vẫn gia tăng khi các dự án huy động vốn của người mua nhà nhưng không tiếp tục được, phải đình hoãn, chuyển đổi. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này thì phải thay đổi cách thức huy động vốn của người mua sang vay vốn ngân hàng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với công việc của mình.

Theo đánh giá của các chuyên gia về thị trường bất động sản, sang năm 2014, thị trường có thể sôi động hơn và sức lan tỏa của các chính sách được ban hành liên tục trong năm 2013, đặc biệt là những nỗ lực của Bộ Xây dựng nhằm nới rộng biên độ tiếp cận với gói 30.000 tỷ đồng sẽ tác động đến giá nhà đất và người mua nhà có thể kỳ vọng mặt bằng giá bất động sản sẽ hợp lý hơn, chứ không phải chỉ là một vài dự án giảm giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Dai Bieu Nhan Dan