Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của thành phố nhằm giải quyết vấn đề nhà ở của người dân Hà Nội...
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của thành phố nhằm giải quyết vấn đề nhà ở của người dân Hà Nội, tuy nhiên trong các dạng nhà ở hiện nay tại thành phố, mô hình nhà ở tái định cư bị coi là bất cập nhất, kế đó là cải tạo chung cư cũ.
Sẽ lấy ý kiến người dân về phương án tái định cư
Trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng gồm 276 dự án, trong đó nhu cầu bố trí tái định cư khoảng 13.000 hộ gia đình. Năm 2007 dự kiến hoàn thành 155 dự án và bố trí tái định cư cho hơn 5.000 hộ. Song đến giữa năm nay, tất cả các dự án vẫn chưa được ứng vốn để thực hiện. Do vậy, một số dự án xây dựng nhà tái định cư hoàn thành chậm hơn so với tiến độ cam kết đầu năm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm.
Theo báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội của UBND thành phố Hà Nội, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước hết là việc thực hiện nguyên tắc định giá đất sát với giá thị trường. Việc bồi thường bằng đất ở, đất dịch vụ đối với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp (thực hiện Nghị định 84/2007/NĐ-CP) cũng gặp khó khăn và không khả thi, vì quỹ đất nông nghiệp còn hạn chế và cơ bản đã giao cho các hộ theo Nghị định 64/CP.
Hiện Hà Nội mới đáp ứng được quỹ nhà đất bố trí tái định cư cho một số dự án trọng điểm. Do quy mô thu hồi đất ở các dự án ngày càng lớn (cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài, khu đô thị Tây hồ Tây, đường vành đai 1, 2, 3...) dẫn đến kinh phí giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư phát triển quỹ nhà, đất tái định cư rất lớn. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp còn chưa quan tâm sử dụng các nguồn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho việc đi học, đào tạo nghề.
Ngày 30/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cùng lãnh đạo các quận, huyện, ban ngành đã họp bàn về dự thảo trình tự, thủ tục, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, để thay thế Quyết định 26 được ban hành từ năm 2005.
Theo dự thảo được Sở Tài chính soạn thảo, người dân chấp hành quyết định thu hồi đất của thành phố sẽ được lợi hơn người phản đối. Đồng thời, phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ được lấy ý kiến người dân. Ngoài ra, phương án đã được UBND các cấp phê duyệt sẽ phải niêm yết công khai. Dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của UBND TP. Hà Nội sẽ lấy ý kiến người dân sau 20/9 tới.
Hà Nội: Giá thuê nhà tăng chóng mặt
Tính đến thời điểm nay, các nhà trọ cho thuê gần như đã kín, thế nhưng vẫn rất nhiều người đến hỏi thuê nhà. Thông thường, mỗi phòng chỉ từ 9-10m2, cá biệt có những nơi tập trung đông dân cư, để "thâm canh" chủ nhà chỉ xây từ 7-8m2. Giá mỗi căn hộ trên dao động từ 400-600 nghìn đồng.
Theo Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nhu cầu thuê nhà cho người thu nhập thấp tăng cao. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chỉ mới tập trung xây dựng chung cư để bán, còn thị trường căn hộ cho thuê bình dân hầu như bị bỏ ngỏ. Nguyên nhân của việc trên đó là chủ đầu tư phải chịu áp lực vay vốn từ ngân hàng. Đa phần là vay ngắn hạn từ 2-3 năm, hay trung hạn 5 năm đầu tư cho các công trình. Điều này khiến cho lời giải cho bài toán khó này ngày càng nan giải.
Vào khoảng đầu năm 2008, với việc hoàn thành dự án thí điểm Xây dựng nhà ở phục vụ các đối tượng chính sách, thu nhập thấp, sinh viên..., sẽ có 1.000 căn hộ cho thuê, đặc biệt sẽ ưu tiên các viên chức, sỹ quan, công nhân. Song từ năm 2006 đến 2010, Hà Nội cần khoảng 100.000 căn hộ, riêng nhu cầu nhà cho thuê lên tới 18.000 căn. Như vậy con số 1.000 căn hộ mới trong năm tới dường như chỉ là "muối bỏ bể".
Theo Minh Hà - BTN & MT