Chương trình nhà ở xã hội TP.HCM: Sao cho lợi cả đôi đường

Cập nhật 17/04/2013 15:03

Hướng đến kế hoạch nhà ở từ nay tới năm 2020 cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, UBND TP.HCM đã kết hợp với Bộ Xây dựng thực hiện đề án Công trình phối hợp hành động chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu chính của công trình là phát triển nhà ở xã hội (NXH) cho người có thu nhập thấp, đây cũng là “động tác” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang “đóng băng”.

Hướng đến kế hoạch nhà ở từ nay tới năm 2020 cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, UBND TP.HCM đã kết hợp với Bộ Xây dựng thực hiện đề án Công trình phối hợp hành động chiến lược phát triển nhà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu chính của công trình là phát triển nhà ở xã hội (NXH) cho người có thu nhập thấp, đây cũng là “động tác” tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang “đóng băng”.

Chương trình xây dựng NXH kết hợp với kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng thực hiện. Trước tiên tập trung vào việc xây dựng mới NXH và chuyển đổi công năng nhà cho người có thu nhập cao (nhà thương mại) thành NXH. Nhà thương mại (NTM) thuộc dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thi công hoặc thi công không phù hợp với nhu cầu thực tế, NTM thấp tầng hoặc có khả năng chuyển đổi từ căn hộ lớn thành nhiều căn hộ nhỏ, NTM chưa thu vốn góp của khách hàng… đều được phép chuyển đổi thành NXH. NXH được quy định rộng trên dưới 50m2 và được bán với giá không quá 12 triệu đồng/m2 . Việc xây mới NXH theo tiêu chuẩn này hiện chỉ mới hoàn thành 200 căn hộ thuộc 2 dự án được xây dựng bằng tiền trái phiếu chính phủ (địa bàn quận 12 và quận 10). Còn lại 8 dự án xây mới khác với quy mô 11.200 NXH (bằng tiền ngân sách) chưa thực hiện vì chưa tập trung được vốn.
Nhà ở xã hội (NXH) là nhu cầu rất lớn của một bộ phận không nhỏ những người dân có thu nhập thấp tại TP.HCM. Ước tính hiện hơn 80.000 hộ cần nhà ở và hơn 50.000 công nhân cần nhà thuê. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách này, trước mắt, từ nay đến năm 2015, thành phố lên kế hoạch đầu tư cải tạo - xây dựng hơn 21.000 NXH.

Nguồn bổ sung dồi dào nhất cho NXH chính là các dự án bất động sản đang “đóng băng”. Nhiều DN kinh doanh địa ốc chấp nhận chuyển đổi NTM thành NXH một cách vui vẻ để giải quyết mớ hàng tồn kho khổng lồ của họ trong nhiều năm qua. Sau khi có chủ trương từ Nhà nước, Công ty Đầu tư - xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 đã chuyển gần 2.800 căn hộ NTM thuộc 4 dự án ở các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Chánh thành NXH. Trong đó có dự án 1.000 căn hộ trước đó được UBND TP.HCM cho phép chuyển thành bệnh viện nhưng không thành. Công ty Tân Phát - cổ phần Việt Liên Á điều chỉnh ngay lập tức hơn 2.000 NTM thành NXH. Công ty Sản xuất - thương mại Lan Phương chuyển 1.000 căn hộ thuộc diện tái định cư ở quận Thủ Đức thành NXH. Không chậm chân hơn các đồng nghiệp, Khu thương mại dân cư Hưng Điền (quận 8) cũng kịp chuyển đổi cho 1.060 NTM… Nhiều “ông lớn” thuộc lĩnh vực địa ốc cũng hăng hái lao vào xây dựng NXH như Công ty Tư vấn thương mại - dịch vụ Hoàng Quân đã dành toàn bộ diện tích đất thuôc dự án khu chung cư tại huyện Bình Chánh để xây NXH. Ngoài việc mong muốn giải quyết hàng ngàn căn hộ tồn đọng trong thời gian dài, các DN hăng hái chuyển đổi NTM thành NXH cũng được hưởng nhiều quyền lợi theo chủ trương xây dựng NXH như ưu tiên được vay vốn với lãi suất thấp, giảm thuế các loại (thu nhập, VAT…), không phải đóng tiền sử dụng đất… Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng việc “xả hàng tồn kho” này của các công ty đã mang đến nhiều thuận lợi cho cả bên mua lẫn bên bán; vấn đề quan trọng còn lại là, liệu thị trường NXH có phải lúc nào cũng đông vui, tấp nập người mua kẻ bán?

Điều lo lắng này của ông Nguyễn Văn Đực cũng có lý khi điều kiện người được mua NXH được qui định như sau: có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng, diện tích ở tối thiểu 8m2/người, hoàn cảnh không nhà ở được chính quyền địa phương xác nhận, cam kết không chuyển đổi - cho thuê - mua bán NXH khi được sở hữu chưa quá 5 năm. Về những điều kiện này, ông Nguyễn Phụng Thiều - Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn - Gia định chia sẻ: “Ở TP.HCM không phải người có thu nhập thấp nào cũng đủ điều kiện mua NXH. Quy định quá chặt chẽ có khi lại rơi vào tình trạng người có nhu cầu nhà ở lại không đủ điều kiện mua NXH. Phù hợp nhu cầu thị trường nhất bây giờ có lẽ là NTM gói thấp, diện tích nhỏ. Việc mua bán tự do với giá cả vừa túi tiền mọi người sẽ góp phần cải thiện tình trạng đóng băng bất động sản hiện nay”. Thực tế, hiện TP.HCM còn tồn 5.400 nhà tái định cư bán không ai mua vì giá cao. Với các doanh nghiệp, liệu họ có hăng hái bỏ vốn xây mới NXH khi “nghe ngóng thời tiết” không “ngon ăn”? Quy định thu lợi nhuận không quá 10% cho gói đầu tư xây mới NXH quả thật eo sèo bên cạnh nguồn thu trả chậm từ khách hàng có thu nhập thấp. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng NXH chất lượng kém.

Chủ trương hỗ trợ người nghèo về nhà ở của Nhà nước là ưu việt, hợp lý hợp tình nhưng còn bao nhiêu điều phát sinh sau khi đưa vấn đề vào thực tiễn. Vận dụng, ứng phó với thực tế như thế nào để người nghèo có nhà ở, để các DN hăng hái đầu tư theo hướng đôi bên cùng có lợi nhằm kích cầu kinh tế là mục tiêu các cơ quan chức năng ở TP.HCM đang nhắm đến trong năm 2013 này.

DiaOcOnline.vn - Theo VEN