Chung sống với “lô cốt”!

Cập nhật 03/10/2008 13:00

Chuyện về những “lô cốt” trong lòng TP.HCM không còn mới mẻ, nhưng nó vẫn là nỗi bức xúc của người dân, là nguyên nhân chủ yếu của nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường...

Chuyện về những “lô cốt” trong lòng TP.HCM không còn mới mẻ, nhưng nó vẫn là nỗi bức xúc của người dân, là nguyên nhân chủ yếu của nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

“Lô cốt” nguyên nhân của nạn kẹt xe

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện TP có tới 248 “lô cốt” của 12 công trình, nằm trên 90 tuyến đường. Số “lô cốt” này chủ yếu là của các công trình thuộc dự án Vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước, dự án Đại lộ Đông - Tây.

Quận nào cũng có “lô cốt”, nhưng tập trung nhiều nhất là trên các tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm TP như: Q.3, Q.5, Tân Bình, Bình Thạnh, Q.10… vì vậy tình trạng ách tắc giao thông diễn ra thường xuyên.

Nhiều nhất là ở Q.3 - trung tâm TP với hàng chục “lô cốt” mọc hiên ngang, trở thành vật cản đối với phương tiện tham gia giao thông.

Tại Hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân về văn minh đô thị do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức, người dân Q.3 rất bức xúc bởi sự tồn tại quá lâu của những “lô cốt” trên địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

“Lô cốt” nằm tại ngã ba đường Nguyễn Thông - Trương Định là một ví dụ: Tuyến đường này nhỏ, lưu lượng giao thông cao là đường 2 chiều và dẫn tới Ga Sài Gòn. Sự án ngữ của “lô cốt” này gây nên tình trạng ách tắc giao thông diễn ra liên tục; đất, đá, sỏi đào lên không được che đậy nên chúng đã trở thành bụi, ảnh hưởng xấu tới những hộ dân sống tại khu vực đó.

Khi “lô cốt” dọn đi, tình hình cũng không khả quan hơn. Cạnh cầu số 9 đầu đường Bờ Kè, P.9, Q.3, người dân tại đây cho biết “lô cốt” được dọn đi đã khá lâu nhưng hiện trường nham nhở, gạch, cát, đá còn nguyên, lòng đường vẫn hẹp như khi “lô cốt” còn đứng đó và rác đã bắt đầu tập kết tại đây.

Nguy hiểm hơn, một miệng cống lớn vẫn mở, chỉ được “thông báo” bằng một cành cây khô và một tấm ván mỏng, dường như mọi người đã quên những vụ tai nạn từ những chiếc cống ngầm đó.

Đường Nguyễn Văn Trỗi nối trung tâm TP với sân bay Tân Sơn Nhất và tuyến đường sắt cũng chạy ngang đây, nhưng nó được “sở hữu” tới 4 “lô cốt” và mỗi cái dài hàng trăm mét. Với sự tập hợp nhiều “lô cốt” như vậy, nên tình trạng ùn tắc giao thông rất thường xuyên.

Người đi đường thường phải chịu trận với bụi mù mịt, mặt đường mấp mô, chắp vá do sự dời đi không hết của “lô cốt”. Anh Trần Minh - người mà hàng ngày phải đi lại trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi than thở: “Đây là tuyến giao thông huyết mạch, là cửa ngõ giao thông của TP.HCM ra quốc tế theo đường hàng không nhưng “lô cốt” dựng tùy tiện, thi công kéo dài. Nhiều khi kẹt xe, trễ chuyến bay của hành khách khiến nhiều du khách ngán ngẩm”.

Đường Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Đồng Đen (Q.Tân Bình); đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; đường Tôn Đức Thắng (Q.1)… cũng nằm trong tình trạng không được trả lại nguyên trạng mặt đường sau khi “lô cốt” xong nhiệm vụ.

Giải pháp nào?


Đứng trước tình hình ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu là do “lô cốt” mọc vô tội vạ, tồn tại quá lâu, thậm chí đã hết thời hạn nhưng vẫn “ung dung” chiếm lòng đường, UBND TP.HCM đã tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra và xử phạt đối với những công trình không đảm bảo chất lượng thi công và tiến độ chậm trễ.

Theo quy định của Sở GTVT, mỗi “lô cốt” chỉ được thi công trong 60 ngày, nếu nhà thầu vi phạm sẽ bị rút giấy phép. Vậy nhưng, một nghịch lý sẽ xảy ra: công trình đó bị rút giấy phép thì đơn vị nào sẽ tiếp tục thi công, mọi thủ tục được tiến hành từ đầu và “lô cốt” lại nằm đó để chờ được thi công và người dân tiếp tục gánh chịu.

Đây là nút thắt nhưng không phải không có cách gỡ, chỉ cần các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và nhà thầu cùng có trách nhiệm tìm hướng giải quyết. Một số người dân cho rằng phương thức thi công cũng cần phải xem xét lại.

Sở GTVT yêu cầu thay vì làm đêm, “ngủ ngày” thì nên tăng ca để rút ngắn thời gian nhanh chóng trả lại mặt bằng lòng đường, Sở cũng cấp giấy phép lưu hành đặc biệt (24/24h) cho các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu thi công “lô cốt”.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công các công trình ngầm, nhà thầu thường xuyên gặp phải những công trình tiện ích khác như đường cáp ngầm, đường cấp thoát nước… vậy là lại dừng để lo khảo sát.

Về vấn đề này, Quyết định 47/2005/QĐ-UB của UBND TP.HCM đã quy định: “Trong quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn phải khảo sát tất cả các công trình ngầm hiện hữu trên tuyến bằng thiết bị dò tìm định vị chính xác”.

Theo quy định của UBND TP.HCM thì thời gian đào đường không quá 21 ngày cho mỗi lần cấp phép. Nhưng trên thực tế, tại các bảng thông tin của “lô cốt” cho thấy sự mâu thuẫn vì hầu hết các công trình đều thông báo thời hạn đến vài tháng, thậm chí vài năm như “lô cốt” thuộc gói thầu 11A2 trên đường Hoàng Văn Thụ được cấp phép rào chắn một năm.

“Lô cốt” thuộc gói thầu 11B2 trên đường Nguyễn Thông (P.9, Q.3), thông báo thi công rào chắn tới ngày 2/10/2008 nhưng tới nay phần san lấp chưa được tiến hành, tiến độ thi công ể oải, chậm chạp.

Chắc rằng, “lô cốt” lại được gia hạn, người dân lại phải miễn cưỡng sống chung với “lô cốt”, vấn nạn ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tai nạn giao thông sẽ vẫn lại diễn ra…

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng