Chung cư mọc như nấm, dân vẫn chưa thể an cư

Cập nhật 24/07/2013 13:48

Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng và phát triển các khu đô thị và nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội tương đối nhanh. Tuy nhiên, pháp luật về xây dựng cũng như những quy định liên quan đến quản lý chung cư còn hạn chế đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư.

Trong những năm gần đây, tốc độ xây dựng và phát triển các khu đô thị và nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội tương đối nhanh. Tuy nhiên, pháp luật về xây dựng cũng như những quy định liên quan đến quản lý chung cư còn hạn chế đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư.


Bức xúc phổ biến là khi xây dựng các khu đô thị, tòa nhà chung cư, chủ đầu tư thường quảng cáo sẽ xây dựng với cơ sở hạ tầng xã hội đầy đủ, có khu vui chơi, trường học… Nhưng trên thực tế, phần lớn các dự án mới chỉ chú trọng đến xây nhà, chung cư để bán, còn hạ tầng xã hội bị “ngó lơ”.

Sống tại chung cư khu Trung Hòa - Nhân Chính hơn 5 năm, chị Hoàng Thị Thanh phản ánh, toàn bộ diện tích sân chơi tại dự án này đang bị chủ đầu tư chiếm dụng làm bãi đỗ xe, trong khi các quán bán hàng chiếm phần lớn diện tích công cộng. Trẻ em sống tại khu chung cư không hề có sân chơi…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, ở các đô thị lớn vẫn còn hiện tượng các dự án đầu tư phát triển đô thị được thực hiện thiếu đồng bộ, như xây nhà nhưng không xây trường học, không có nhà văn hóa, người dân đến ở nhưng không được cung cấp các dịch vụ đô thị thiết yếu… Chị Thanh cho biết: “Chúng tôi cũng đã có phản ảnh lên chính quyền địa phương nhưng được trả lời là chung cư do chủ đầu tư quản lý nên địa phương cũng khó can thiệp”.

Nhưng ngay với các dự án khu đô thị, chung cư có đủ công trình công cộng, khó khăn vẫn chưa hết với các cư dân tại đây. Chị Nguyễn Minh Tâm cho biết, gia đình chị chuyển về khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì đã gần 2 năm, nhưng hiện vẫn phải cho hai con đi học ở Thanh Xuân vì hộ khẩu chưa chuyển được. Chị rất mong muốn được cho hai con học gần nhà để tiện đưa đón cũng như tạo thuận lợi cho các con học hành, nhưng việc chuyển trường là bài toán khó do trái tuyến.

Anh Trần Anh Thái cũng đang sống tại một căn hộ chung cư khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì giải thích, hiện anh không thể làm các thủ tục hành chính tại chính quyền địa phương bởi chủ đầu tư chưa bàn giao quyền quản lý hành chính cho chính quyền địa phương.

Trên thực tế, các khu đô thị, khu chung cư khi được đưa vào sử dụng đều do các chủ đầu tư quản lý, vận hành, khai thác, không thực hiện công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vận hành tòa nhà và bàn giao quản lý hành chính cho các đơn vị quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương. Do vậy, việc quản lý hành chính, nhân khẩu… tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chung cư như hiện nay sẽ còn nhiều bất cập. Trách nhiệm đó đúng ra phải thuộc về các quận, huyện.

Góp ý về Dự thảo Luật Xây dựng mới đây, TS. Phạm Sỹ Liêm lưu ý, vấn đề mà Dự thảo Luật chưa bổ sung, điều chỉnh là hầu hết dự án chung cư, khu đô thị mới đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng nhưng chủ đầu tư không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi cho chính quyền địa phương quản lý.

Điển hình như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, 17 năm mới bàn giao cho chính quyền địa phương. Điều này không chỉ gây khó khăn cho những hộ dân sống tại các khu chung cư trong việc sinh hoạt, học hành mà còn có thể gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực, thất thoát thuế nhà đất, không quản lý được các biến động về nhà đất…

Liên quan đến giao quyền quản lý các dự án chung cư, ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần bổ sung quy định người quyết định đầu tư xây dựng có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật, và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng