Thị trường bất động sản hiện đang có rất nhiều dự án chào bán với giá mềm. Tuy nhiên, để sở hữu được một căn hộ người mua nhà phải có trong tay trên dưới 1 tỷ đồng và buộc phải di chuyển xa trung tâm.
Do đó, nhiều người có nhu cầu thực về chỗ ở đã lựa chọn, tìm mua một căn hộ tại các khu chung cư, tập thể cũ, gần trung tâm TP để tiện cho công việc cũng như sinh hoạt.
Lợi nhiều hơn bất cập
Một thực tế dễ thấy ở các khu tập thể như Giảng Võ, Nam Đồng, Thành Công, Nghĩa Tân, Thanh Xuân… tuy đã khá cũ, thậm chí xuống cấp, bất tiện về diện tích sử dụng, chỗ gửi xe… Nhưng chung cư, tập thể cũ lại có lợi thế về vị trí, gần trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại, học tập, làm việc và sinh hoạt. Chính vì thế anh Văn Anh với gia đình 3 thế hệ (6 người) vẫn ra vào sinh hoạt trong một căn hộ có diện tích vẻn vẹn có 30m2 ở tầng 5 tập thể Nam Đồng và nhiều hộ dân khác đang sống ở những khu tập thể, chung cư cũ chật chội của Hà Nội không muốn chuyển sang chỗ mới. "Dù chật chội, nhưng tiện con cái học hành, vợ đi làm, mới ở lâu cũng quen" - anh Văn Anh nói.
Khu tập thể C1 Trung Tự. Ảnh: Linh Anh
|
Mặt khác, giá cả của căn hộ chung cư tập thể cũ dễ chấp nhận hơn. Với tầm tiền khoảng 1,4 tỷ đồng rất khó để sở hữu một căn hộ chung cư mới gần trung tâm. Trong khi đó, người có nhu cầu hoàn toàn có thể mua một căn hộ chung cư, tập thể cũ diện tích 30 - 40m2, cơi nới lên 50 - 60m2 với thủ tục nhanh gọn, không phải chờ đợi. Bên cạnh đó, ở chung cư, tập thể cũ không phải chịu nhiều các khoản phí, nếu có thì cũng rẻ hơn rất nhiều so với dự án mới. Anh Hoàng Tùng vừa mua căn hộ B7 tập thể cũ Thanh Xuân Bắc chia sẻ: "Tính ra chi trả cho căn hộ này chỉ có 1 tỷ đồng, nhưng nếu mua căn hộ mới cả nhà phải làm việc vài năm nữa mới đủ trả nợ. Chưa kể hàng tháng đóng mấy triệu đồng phí vận hành thang máy, tiền bảo vệ, gửi xe… Với căn hộ cũ, ngoài tiền gửi xe, hàng tháng gia đình chỉ phải đóng thêm những khoản phí khác không đáng kể. Tính ra còn rẻ hơn mua mới nhiều".
Nhiều hy vọng
Chấp nhận những mặt hạn chế của tập thể cũ song phù hợp với túi tiền hiện tại và nhu cầu sử dụng trước mắt, thuận tiện đi lại... nên nhiều người vẫn quyết định chọn các căn hộ tập thể, chung cư cũ hơn là tìm mua những căn hộ mới. Nhất là khi các căn hộ mới phải di chuyển nhiều, xa trung tâm, cơ sở hạ tầng tiện ích thậm chí còn chưa có, thiếu đồng bộ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, loại hình này đang được hưởng những tiện ích khi TP đang tiến hành cải tạo, sửa chữa hàng loạt các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Điển hình như các khu I1, I2, I3 Thái Hà; B4, B7, B14 Kim Liên đã được phá và xây dựng mới. Hay các dự án C7 Giảng Võ, D2 Giảng Võ cũng đang hình thành. Mặt khác, giới chuyên môn phân tích: Thị trường chung cư, tập thể cũ nội thành luôn có độ ổn định về giá. Thậm chí, đây còn là xu hướng đầu tư truyền thống của thị trường nhà đất Hà Nội. Do đó, không chỉ giới đầu tư săn lùng, mua gom để sơn sửa kinh doanh, kiếm lời hoặc hưởng lợi từ suất tái định cư mà bản thân những người dân đang sở hữu những căn hộ tập thể, chung cư cũ cũng khấp khởi hy vọng.
Căn hộ tập thể ở các phố Lý Nam Đế, Hàng Vôi, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng, Hàng Bún, Phạm Hồng Thái, Ngô Tất Tố, Nguyễn Trường Tộ… hiện được giao dịch với giá xấp xỉ 40 - 50 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những địa điểm giá tới 60 triệu đồng/m2 hoặc cao hơn nữa. Các khu tập thể cũ tại một số khu vực như Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông giá trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2. Trong khi các đô thị mới ở phía ngoài như Mỹ Đình, Linh Đàm, Định Công, Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Đông… giá chỉ từ 25 - 35 triệu đồng/m2, ngay cả Trung Hòa Nhân Chính, khu được xem là hàng "hot", giá hiện đã giảm còn 40 triệu đồng/m2.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị