Chuẩn bị xây dựng tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục

Cập nhật 03/08/2014 12:32

Hà Nội dự tính trong năm 2015 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng tuyến đường vành đai I từ Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn cho nên sẽ làm trước đoạn từ Hoàng Cầu - Láng Hạ.

Hà Nội dự tính trong năm 2015 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng tuyến đường vành đai I từ Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn cho nên sẽ làm trước đoạn từ Hoàng Cầu - Láng Hạ.

Theo Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục có chiều dài 2,2km, gồm 2 cầu vượt Láng Hạ - Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh.

Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án này vào khoảng 5.583 tỷ đồng, tuy nhiên nếu áp dụng giá đất đền bù tương đương hệ số K=1.8 như đã áp dụng với dự án cùng tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, tổng mức đầu tư sẽ đội lên thành 7.805 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 2.219 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, theo phê duyệt của thành phố thì trong năm 2015, đơn vị này sẽ khởi công tuyến đường từ Hoàng Cầu - Voi Phục. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chủ đầu tư sẽ làm trước đoạn từ Hoàng Cầu - Láng Hạ.

Ảnh minh họa

Trong năm 2015 Hà Nội sẽ tiếp tục mở đường từ Hoàng Cầu - Láng Hạ để tiếp tục thông tuyến vành đai I. Ảnh: Internet

Theo ông Bảo, hiện chủ đầu tư đã trình duyệt dự án đường vành đai 1, đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ, có chiều dài 708m, thu hồi đất của 461 chủ sử dụng, với nhu cầu tái định cư là 504 căn hộ. Việc khởi công xây dựng tuyến đường sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ 2015-2017.

Trước đó, cuối năm 2013, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cũng đã tiến hành thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác sử dụng đoạn tuyến Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu. Đây là tuyến đường có giá xây dựng cao ngất ngưởng với hơn 1 tỷ đồng một mét.

Tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu thuộc tuyến vành đai 1 của Hà Nội. Sau khi được thông xe đoạn tuyến này sẽ nối với đường Xã Đàn - Đào Duy Anh - Trần Khát Chân.

Đây là tuyến đường được thiết kế rộng tới 50 m, trong đó mặt đường rộng 32 m, dải phân cách giữa rộng 3 m, vỉa hè. Để xây dựng được đoạn tuyến này, Hà Nội đã phải giải phóng mặt bằng 5 cơ quan và 450 hộ dân với mức giá đền bù mặt bằng cao gấp 10 lần giá xây dựng.

Cụ thể, đoạn đường dài chỉ có 547 m nhưng ngốn mất khoản kinh phí hơn 800 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi mét chiều dài của tuyến đường “ngốn” hơn 1 tỷ đồng; trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng gấp hơn 10 lần chi phí xây dựng, đã đưa đoạn đường này phá vỡ kỷ lục của đoạn Kim Liên – Ô Chợ dừa (mỗi mét đường tốn khoảng 660 triệu đồng) từng được mệnh danh "đắt nhất hành tinh" được xây dựng 5 năm trước đây.

Đoạn tuyến này được khởi công xây dựng từ tháng 4/2010 nhưng do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho nên chỉ có 547m đường, chủ đầu tư đã phải tiến hành xây dựng trong 4 năm mới xong.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia