"Chưa xác định rõ trách nhiệm trong quản lý đất đai"

Cập nhật 29/09/2011 13:10

Ngày 27/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015.


Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 27/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất là một công cụ quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước về đất đai.

Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước đã góp phần phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho chiến lược công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác quy hoạch sử dụng đất cũng còn nhiều tồn tại, bất cập liên quan đến chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; còn tồn tại hiện tượng đầu cơ đất đai, nổi cộm về khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, còn tình trạng phát triển các cơ sở sản xuất bên ngoài các khu công nghiệp… có tác động mạnh, ảnh hưởng đến tình hình chung.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý và hiệu quả, thì chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa được tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản, dẫn đến tình hình vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chưa xác định rõ được trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập quy hoạch sử dụng đất theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ đã đề xuất quy hoạch thiếu đồng bộ.

Tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí đất chuyên trồng lúa nước vẫn diễn ra; cơ cấu sử dụng đất đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị (chưa đến 13%) và đất dành cho các công trình công cộng còn thiếu, nhất là tại các đô thị lớn…

Theo tiến sỹ Lý Huy Tuấn (Viện Chiến lược Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải), hiện chưa có đánh giá về sử dụng đất trong giao thông vận tải, nhưng đất cho giao thông đô thị đạt tỷ lệ thấp (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 7-9%, trong khi ở các nước tỷ lệ là 20-25%, đất cho giao thông tĩnh dưới 1% so với yêu cầu là 3-5%).

Giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn do đường nhỏ hẹp, chưa được trải mặt (72%), hiện còn trên 300 xã (46 xã cù lao) chưa có đường ôtô đến trung tâm xã…

Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu sử dụng đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông là 757.000ha, giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 1,26%/năm.

Đề xuất giải pháp sử dụng đất cho giao thông có hiệu quả, tiến sỹ Lý Huy Tuấn nhấn mạnh cần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khối lượng lớn ở các đô thị, tốc độ cao ở ngoài đô thị; tận dụng quỹ đất hiện có để khai thác hợp lý cho các loại hình giao thông vận tải; không sử dụng đất nông nghiệp phì nhiêu, màu mỡ, có sản lượng cao vào mục đích công cộng nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong thời gian tới, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; quản lý tốt hơn đất đã quy hoạch, chỉ giới đất cho xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, không để lấn chiếm, tái lấn chiếm, đền bù hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng xây dựng công trình.

Nêu lên những bức xúc trong sử dụng đất hiện nay, giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ nhận xét tỷ lệ lấp đầy không cao (mới được hơn 25%) của các khu công nghiệp là một điều đáng xem xét.

Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã giao nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho các doanh nghiệp làm cho các khu công nghiệp thừa diện tích. Đây là một tình trạng cần được điều chỉnh kịp thời trong quy hoạch lần này.

Trong đất phát triển đô thị, đất ở tại đô thị cũng được các địa phương giao vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Hiện trên địa bàn cả nước đang triển khai hơn 2.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới, với 20-25 triệu m2 nhà ở tăng lên mỗi năm.

Đây chính là phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản, mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chỉ tiêu này cũng cần được Quốc hội giám sát chặt chẽ để tránh mất cân đối cung cầu trong thị trường nhà ở.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lưu ý trong quy hoạch sử dụng đất, lấy một tấc đất nông nghiệp cũng phải cân nhắc kỹ; hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp cho mục đích phi nông nghiệp; trong trường hợp không dùng đến phải trả lại hoặc cố gắng tìm đất thay thế.

Tiến sỹ Lê Tuyển Cử (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng biện pháp quan trọng để quy hoạch đất khu công nghiệp không dồn người nông dân “vào cảnh khốn khó” vì bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, là phải có biện pháp giúp đỡ, hướng dẫn người dân ổn định cuộc sống, có việc làm sau khi bị thu hồi đất; tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là những doanh nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm cho những người “bị lấy đất” làm khu công nghiệp, thực hiện “ly nông bất ly hương”; có chính sách phát triển các cơ sở đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển khu công nghiệp và nhu cầu chuyển đổi nghề cho những người lao động nông nghiệp có đất được chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, vừa ổn định đời sống của người dân địa phương...

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010, nêu bật những mặt được, những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; đánh giá tính hợp lý, khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2011-2020; kiến nghị để hoàn thiện và nâng cao chất lượng của Báo cáo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp thu các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia tại Kỳ họp thứ 2 sắp tới.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+