Chưa nhận định được giá BĐS có giảm nữa hay không?

Cập nhật 23/04/2014 14:13

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, để đánh giá giá BĐS hiện nay đang cao hay thấp thì cần có đánh giá nghiên cứu sâu hơn và giá tăng hay giảm còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, để đánh giá giá BĐS hiện nay đang cao hay thấp thì cần có đánh giá nghiên cứu sâu hơn và giá tăng hay giảm còn phụ thuộc nhiều yếu tố.


Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thị trường bất động sản năm 2014: Cơ hội từ chính sách” ngày 23/4 do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Hưng cho rằng, thu nhập của người Việt Nam rất thấp so với các nước trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar, Hong Kong giá BĐS tại Việt Nam không quá cao, thậm chí còn thấp hơn.

Nhưng giá BĐS tại Việt Nam có đặc điểm khác biệt, đó là sự khác biệt chênh lệch vị trí, do hạ tầng giao thông của chúng ta chưa phát triển, hạ tầng tiện ích kém nên giá nhà đất cách nhau 1km có sự chênh lệch rõ ràng. Mức chênh lệch quá lớn này là đặc thù của thị trường BĐS Việt Nam. Vì vậy, để đánh giá giá BĐS tại Việt Nam cao hay thấp thì cần có đánh giá nghiên cứu sâu hơn.

Thị trường có giảm giá được nữa không?

Nói về giá thị trường có giảm tiếp không, ông Hưng chỉ đề cập về giá thị trường bất động sản nhà ở thương mại.

"Theo tôi giá quyết định bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là giá thành. Trong bối cảnh thị trường khó khăn đã có rất nhiều chủ đầu tư, nhà thầu bắt tay với nhau để giảm giá bất động sản và về cơ bản giá trên thị trường đã giảm nhưng không quá lớn (5-7%), vì chi phí vật tư, nguyên vật liệu và nhân công không thể giảm được nhiều.

Nhưng trong yếu tố giá thành chi phí vốn là rất lớn. Hiện nay nhiều quy định khá thắt chặt việc huy động vốn từ người mua nhà, vì vậy, nguồn vốn còn lại vẫn phụ thuộc rất lớn vào ngân hàng với lãi suất khá cao (trên 10%/năm).

Thứ hai giá phụ thuộc vào cung– cầu thị trường. Trước hết nói về cầu chúng tôi chia nhu cầu của người mua thành 3 nhóm: Cầu tiêu dùng, cầu đầu tư ngắn hạn (chuyển nhượng hưởng lợi nhuận) và cầu đầu tư dài hạn (vận hành và khai thác). Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nhóm cầu đầu tư dài hạn có sự tham gia hạn chế do đầu tư dài hạn vào bất động sản hiện nay sinh lời khá thấp".

Ông Hưng phân tích thêm, ở các khu vực bất động sản trung tâm do có khả năng đưa vào sử dụng được ngay, nguồn cung hạn chế lại có sự tham gia của nhóm nhà đầu tư ngắn hạn nên giá bất động sản tăng khoảng 5-7%.

Với những dự án ngoài vành đai 3, vành đai 4 do cơ sở hạ tầng hạn chế, khoảng cách xa, có thể sẽ tiếp tục giảm do ít nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn ít tham gia.


DiaOcOnline.vn - Theo NDH