Tình trạng loạn phí chung cư dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện đang trở thành vấn đề nóng ở nhiều chung cư trên cả hai địa bàn bất động sản lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Những yêu cầu bức xúc của người dân nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình từ phía chủ đầu tư ngày càng phát sinh nhiều, nhưng bất đồng đó chưa biết bao giờ mới ngã ngũ. Có thể nói, các chung cư hiện đang dần “mất điểm” vì sự hỗn loạn của phí quản lý.
Chủ đầu tư “vẽ vời” biểu phí quản lý
Đầu năm 2012, nhiều tòa nhà đã bị Sở Tài Chính Hà Nội “tuýt còi” về việc thu phí chung cư cao so với quy định, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn phớt lờ và tiếp tục “vẽ vời” biểu phí quản lý.
Thị trường chung cư chìm đắm trong “cơn bão” loạn phí quản lý. |
Trong khi hầu hết các dân cư sống trong những tòa nhà cao cấp vào bậc nhất Hà Nội đều than thở về mức giá “leo thang” chóng mặt hơn cả thị trường thì hiện tại Nhà nước vẫn chưa có một quy chuẩn chung về cách tính cũng như mức giá trần cho mức phí dịch vụ này. Tình trạng mỗi nơi áp dụng một phương thức tính khác nhau đang làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân. Cho đến nay, “vở kịch” trên vẫn còn tiếp diễn, người dân không ngừng đấu tranh đòi lại quyền lợi cho mình khi phí dịch vụ chưa được thống nhất.
Làm sao để hài hòa?
Ở cả góc độ người dân và doanh nghiệp đều có những lập luận và quan điểm bảo vệ lợi ích của mình. Doanh nghiệp thì cho rằng, họ phải tăng phí là do lạm phát giá cả, chi trả nhân công tăng lên, còn người dân, họ không thể bằng lòng với mức phí còn cao hơn cả tiền thuê nhà hàng tháng.
Phải nhìn nhận vấn đề này dưới nhiều góc độ nhưng dù làm thế nào, quyền lợi khách hàng là không bao giờ có thể phủ nhận và cần được tôn trọng. Cư dân kỳ vọng một mức giá rẻ không có nghĩa là chất lượng sẽ đi xuống, không có người quét vườn, chăm sóc, tưới tiêu cây cảnh, lau bụi bặm, không có xe nước đi rửa đường, cầu cống tắc và sẽ rất bẩn.
Nếu cứ giằng co quyền lợi giữa các bên thì vấn đề này không bao giờ được giải quyết. Thiết nghĩ, tình trạng loạn phí chung cư hiện nay có một phần nguyên nhân không nhỏ từ các vấn đề liên quan đến quy định và chính sách. Bởi, loại hình dịch vụ chung cư ngày càng đa dạng, phong phú và như thế, áp đặt mức trần phí dịch vụ chung cư chẳng khác nào may một chiếc áo chật cho một cơ thể đang lớn.
Cư dân “dàn trận” xe ô tô kèm băng rôn phản đối đầy phẫn nộ tại thời điểm chủ đầu tư áp mức phí đỗ xe ô tô lên đến 2,5 triệu đồng/tháng. |
Để hài hòa mối quan hệ giữa cư dân và đơn vị quản lý trong tòa nhà đó, việc minh bạch hóa các chi phí quản lý vận hành tòa nhà là một điều quan trọng. Khi đã minh bạch hóa và đã được thông qua rồi, thì sự tranh cãi hay sự nghi kỵ không còn nữa mới có thể khuyến khích chủ đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ.
Cẩn trọng trước khi ký hợp đồng
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản - Bộ Xây Dựng, cho biết: Bộ Xây Dựng đã yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế để ban hành giá trần cho các chung cư mà không có thỏa thuận với người dân. Giá trần dịch vụ không áp dụng cho tất cả trường hợp chung cư trên địa bàn mà chỉ những dự án ký hợp đồng mua bán nhà nhưng trong trường hợp không thể hiện chi tiết về giá và các dịch vụ.
Còn những dự án xây dựng sau Nghị định 71/CP ban hành ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì phải thực hiện theo quy định. Ông Hà cũng khuyên người mua nhà nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, trong hợp đồng cần thể hiện rõ cam kết của chủ đầu tư, thậm chí phải ràng buộc cả việc vận hành các dịch vụ hết sức cụ thể để tránh thiệt hại sau này.
DiaOcOnline.vn - Theo Afamily