“Chưa đến mức phải cứu thị trường bất động sản”

Cập nhật 09/08/2011 08:40

Năm nay là năm phòng thủ, tích cốc phòng cơ, doanh nghiệp bất động sản hãy tập trung nguồn lực quản lý đồng tiền, tập trung hoàn thiện các dự án dang dở thành sản phẩm hoàn thiện để bán thu hồi vốn, ...


Ngoại trừ khu vực trung tâm, hiện giá bất động sản đã giảm rất sâu.
Năm nay là năm phòng thủ, tích cốc phòng cơ, doanh nghiệp bất động sản hãy tập trung nguồn lực quản lý đồng tiền, tập trung hoàn thiện các dự án dang dở thành sản phẩm hoàn thiện để bán thu hồi vốn, từ nay đến cuối năm 2011, các doanh nghiệp bất động sản chưa thể thoát khỏi sự khó khăn.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tại Hội thảo những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướng tới an sinh xã hội vừa diễn ra tại Tp.HCM.

Chỉ đặt mục tiêu tồn tại


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho biết, năm nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản chỉ đặt mục tiêu nỗ lực vượt qua khó khăn để tồn tại. Tại Tp.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ có 5 dự án được khởi công, thấp nhất từ trước tới nay. Các DN chỉ cung ứng 1.691 căn hộ, trong đó, căn hộ cao cấp chiếm 34,3% với 580 căn hộ.

Ngoại trừ khu vực trung tâm, hiện giá bất động sản đã giảm rất sâu. Cùng với đó, ưu thế trên thị trường bất động sản cũng đang thuộc về phía người mua, trong khi các doanh nghiệp có nhiều tiềm lực tài chính mạnh cũng có nhiều cơ hội sở hữu được những mặt bằng tốt bằng việc mua lại các dự án và chuẩn bị quỹ đất trong tương lai.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia bất động sản, những tháng còn lại của năm 2011, thị trường bất động sản vẫn sẽ rất khó khăn do thắt chặt tín dụng. Vì vậy, rất cần những biện pháp để tháo gỡ cho thị trường.

Để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, ngày 5/8, Hiệp hội bất động sản Tp.HCM đã có công văn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan.

Các kiến nghị của Hiệp hội bao gồm: thứ nhất, kiến nghị Chính phủ có lộ trình giảm dần lãi suất, giảm dần xuống mức 15-16% và xem bất động sản là ngành kinh doanh có điều kiện nên 1 số dự án mang tính phục vụ an sinh xã hội vẫn được tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Thứ hai, điều chỉnh sửa đổi các Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 120/2010/NĐ-CP, Thông tư 93 /2011/TT-BTC về cách tính tiền sử dụng đất và khấu trừ sử dụng đất theo hướng áp dụng phương pháp sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất. Thứ ba, tập trung phát triển căn hộ cho thuê giá rẻ, và chương trình căn hộ bán trả góp dài hạn. Thứ tư, thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư BĐS, thị trường tái thế chấp...

Tính đến tháng 6/2011, Tp.HCM đã có 149 dự án căn hộ được hoàn thành đưa vào sử dụng 36.860 căn hộ, trong đó phân khúc trung bình chiếm 38%. So với cuối năm 2010, giá nhà trong thời gian qua không ổn định, giá nhà hạng sang có giá chào trung bình 84,64 triệu đồng/m2, giảm 1,35%; căn hộ cao cấp là 30,36 triệu đồng/m2, giảm 17,27%, căn hộ trung bình là 22,46 triệu đồng/m2 tăng 16,97%; căn hộ bình dân là 12,74 triệu đồng m2, giảm 10,28%.

Trên thị trường căn hộ giá thấp chiếm 66,3% giao dịch thành công. Những căn hộ rộng 60-90m2/căn có giá bình quân 16 triệu đồng/m2 được người dân lựa chọn.

Cần chính sách nâng đỡ

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia nhận định, nhà ở không còn là chuyện của cá nhân mà của toàn xã hội, vì nó ảnh hưởng đến các vấn đề của xã hội bởi không an cư thì khó lập nghiệp. Chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp phải linh hoạt, tức là nhà phải có giá thấp hơn chứ nhà 500-600 triệu/căn là dạng có thu nhập trung bình.

Đồng thời, ông Nghĩa cho rằng, bất động sản là thị trường quan trọng, thiết yếu, nhiều người quan tâm và có yếu tố nóng lạnh thất thường nên “nhất cử nhất động” của bất động sản đều tác động mạnh đến các ngành nghề khác.

Theo quan điểm của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Thủ Đức House, giá thành nhà ở hiện cao không do đầu cơ mà lỗi ở cơ cấu giá thành, từ tiền đất quá cao, vốn đầu tư chịu áp lực lãi vay cao chót vót, thời gian thực hiện dự án dài... Cho nên nếu lãi suất có giảm xuống còn 14 – 15% cũng không giải quyết được vấn đề, bên cạnh giảm lãi suất thì cần có chính sách hỗ trợ cho cả phía cung lẫn cầu.

Dù thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng theo quan điểm của ông Nghĩa, thị trường bất động sản Việt Nam chưa đến mức gay gắt bể bong bóng, cả chục năm tới quả bóng bất động sản vẫn chưa thể vỡ, vì thu nhập người dân còn thấp lắm. Vì vậy, không cần phải nói cứu vì chưa đến mức cứu. Công việc hiện giờ là làm cho quả bong bóng ấy xẹp hơi.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho là, nếu những chính sách nào cho thị trường bất động sản nào chưa đúng mức thì doanh nghiệp cần phản biện . Các chính sách đã đưa ra có mặt được và không được. Nên phải có lộ trình để từ các ý kiến kiến nghị trình lên các cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, sửa luật là cả vấn đề. Bởi vậy, cần một tiếng nói chung, kiên trì, giải thích và vận động của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN