“Trong những năm gần đây, vấn đề chiều cao đô thị được chú ý phát triển, song vấn đề chiều sâu, không gian ngầm thì dường như chưa được chú ý đến,” Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải (Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng), nói.
Tàu điện ngầm, phương tiện đi lại rất thuận tiện trong hệ thống công trình ngầm trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
“Trong những năm gần đây, vấn đề chiều cao đô thị được chú ý phát triển, song vấn đề chiều sâu, không gian ngầm thì dường như chưa được chú ý đến,” Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải (Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng), nói.
“Bỏ quên” xu thế tất yếu
Tại Hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị ngày 15/7, ông Hải nhận định, quỹ đất bề mặt của các đô thị lớn đang ở tình trạng gần như cạn kiệt.
Thực tế cho thấy, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp, khiến người dân cảm thấy bức bí. “Nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị đã và đang đòi hỏi việc phát triển hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song cong cả chiều cao và chiều sâu của đô thị,” ông Hải nói.
Ông kết luận, phát triển công trình ngầm là một trong những xu thế tất yếu cần tính toán.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến (Phó Cục trưởng Cục Hà tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng) thì nói, việc xây dựng và quản lý các công trình ngầm tại các đô thị còn nhiều bất cập.
Cụ thể, về công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, các đường dây, ống ngầm được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau và hầu hết các đô thị chưa lập được bản đồ hiện trạng tổng hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai thi công, xây dựng. Bởi thế, “việc đào lên rồi lại lấp xuống vẫn sẽ còn diễn ra,” ông Tiến nói.
Đối với hầm đường bộ, ông Tiến cho hay việc khai thác còn nhiều hạn chế do chưa có chế tài xử phạt người đi bộ đi qua đường ở khu vực này. Hầm ôtô đã và được xây dựng còn dự án xây dựng tàu điện ngầm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì triển khai quá chậm…
Ông Hải bổ sung rằng, việc chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị như hiện nay là “thiếu một tầm nhìn tổng thể về vấn đề này tại các khu đô thị.” Và, điều này sẽ gây cản trở cho công tác quản lý cũng như đầu tư về lĩnh vực này.
Đầu tư lớn, lợi lâu dài
Xu thế thì đã rõ, song, để hiện thực hóa còn là vấn đề nhức nhối.
Ông Hải kiến nghị, Nhà nước, các Bộ, ngành chức năng cần có chiến lược về vấn đề này cũng như xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, quy hoạch xây dựng chính là điểm mấu chốt. Do đó, các phương án về cơ cấu của đô thị, tổ chức phân khu chức năng chính cần phải kết hợp xác định khu vực bố trí công trình ngầm.
Việc quy hoạch dưới lòng đất là rất phức tạp, ngoài việc phải sử dụng kỹ thuật hiện đại thì phải có đội ngũ chuyên gia chuyên môn cao và nguồn lực tài chính lớn. Song, ông cho rằng, Nhà nước cần đi trước một bước bằng cách bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản, tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Ông Hải cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nên có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này để giúp hoạt động quy họach, đầu tư phát triển không gian, công trình ngầm phát triển.
Về phía mình, ông Tiến đưa ra những thách thức lớn, trong đó có việc đào hầm thì sẽ thay đổi đất vĩnh viễn, việc dỡ bỏ là rất khó khăn. Ngoài ra, các vấn đề về thông hơi, chiếu sáng, chống ngập, thoát - cấp nước, phòng chống cháy nổ… là những vấn đề phải cân nhắc.
"Bởi thế, việc cải tạo phát triển đô thị luôn phải có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và công trình dưới mặt đất," ông Tiến nói.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, nếu làm chậm ngày nào sẽ thiệt ngày nấy. Việc ngầm hóa trên sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế hơn so với kinh phí bỏ ra.
Nói về việc lựa chọn việc xây dựng công trình trên cao hoặc ngầm hóa, ông Liêm cho biết, làm trên cao sẽ đỡ tốn kém hơn. Song, phải căn cứ cụ thể trong từng trường hợp mà việc bố trí lên cao hay ngầm cho hợp lý. “Giả dụ, những công trình ở khu vực di tích, thì khó có thể lên cao được”.
Hội thảo Quản lý đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị do Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Hội thảo này đã thu hút được đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như các cơ quan quản lý.
Ban tổ chức tin tưởng, những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định, quản lý có cái nhìn đúng hơn về không gian ngầm đô thị - Vấn đề còn khá mới không chỉ với các cơ quan quản lý, mà còn cả với các cư dân ở đô thị Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+