Chủ đầu tư Tháp Doanh nhân không được huy động vốn

Cập nhật 04/09/2013 16:30

Tháp Doanh nhân tại số 1 Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) được chủ đầu tư huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng, là vi phạm pháp luật và chưa đủ điều kiện huy động vốn.

Tháp Doanh nhân tại số 1 Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) được chủ đầu tư huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng, là vi phạm pháp luật và chưa đủ điều kiện huy động vốn.


Tháp Doanh nhân sau 2 năm khởi công không phép. Ảnh: Minh Đức

Chưa đủ điều kiện huy động vốn

Liên quan vụ “Tháp Doanh nhân bị trảm, dân tá hỏa đòi lại tiền”, phóng viên Tiền Phong trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty luật TNHH Trường Lộc.

Luật sư Tuấn cho hay: Tháp Doanh nhân (được xác định thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô - Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Quân, số 1 Thanh Bình, Hà Đông) tổ chức lễ khởi công xây dựng tháng 1/2010, hút được hàng trăm tỷ đồng của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, công trình này vẫn “đắp chiếu”, vì chưa có giấy phép xây dựng.

Chủ đầu tư Tháp Doanh nhân huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng là vi phạm luật xây dựng, đồng thời chưa đủ điều kiện để huy động vốn (việc đơn vị này huy động vốn vi phạm quy định của điều 39 Luật Nhà ở và Điều 4 của Nghị định 153/2007).

Nếu dự án không được tiếp tục triển khai xây dựng, những người góp vốn cần yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả số tiền đã góp. Còn các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem hiện nay số tiền chủ đầu tư ứng trước của dự án hiện được quản lý và sử dụng như thế nào, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người góp vốn. Giả sử chủ đầu tư không còn quản lý số tiền đã nhận của những người góp vốn, thì hậu quả sẽ không lường được.

Nhà nước ban hành Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có những quy định nhằm hạn chế rủi ro cho người mua nhà và đưa ra điều kiện: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở, thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người có nhu cầu không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng” - Điều 39 Luật Nhà ở.

Ra tòa vì huy động vốn trái phép

Liên quan việc huy động vốn sai quy đinh, ngày 28/8, TAND TP Hà Nội đưa Phạm Trọng Du, Cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường (SN 1952, trú ở ngõ 19, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Bị hại là 23 người dân, quá tin tưởng vào thương hiệu của Tập đoàn bất động sản này, nên nộp 87 tỷ đồng cho Du.

Tuy nhiên, vụ án bị hoãn để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Số tiền 87 tỷ đồng bị cáo cất giấu ở đâu, hiện nay không xác định được để trả cho người bị hại.

Đồng thời quy định: “Các lần huy động tiền ứng trước tiếp theo phải phù hợp tiến độ xây dựng nhà, công trình đó” (khoản 4, Nghị định 153/2007).

Nhưng trên thực tế, phần lớn các chủ đầu tư lách qua những quy định này bằng cách ký hợp đồng góp vốn đầu tư, hoặc hợp đồng vay vốn với người có nhu cầu mua nhà. Đổi lại, sau này, những người đã ký hợp đồng góp vốn được quyền ký hợp đồng mua bán bất động sản với chủ đầu tư.

Về hình thức các hợp đồng góp vốn, vay vốn có vẻ là hợp pháp, nhưng thực chất không hợp pháp, vì không phải giao dịch phản ánh đúng sự thật của động cơ, mục dịch của các bên trong giao dịch là mua bán bất động sản. Do đó, theo quy định của Bộ luật dân sự các giao dịch này bị xem là giao dịch giả tạo (Điều 129 Bộ luật Dân sự).

Một điều ngạc nhiên là nhiều người mua bất động sản vẫn giao dịch theo hình thức góp vốn, cho vay để rồi hậu quả là không nhận được nhà và cũng không đòi được tiền.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, đến nay, vẫn không có cách xử lý hữu hiệu tình trạng này, khiến xảy ra nhiều tranh chấp, thậm chí những vụ án hình sự liên quan bất động sản. Hậu quả, nhiều người mất rất nhiều tỷ đồng.

Ngày 22/11/2011, Thanh tra Xây dựng (quận Hà Đông) có văn bản kiểm tra công trình tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân tại phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội), thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô - Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Quân.

Ngày 3/2/2012, Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô Tây Đô về hành vi “khởi công xây dựng công trình tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân không có giấy phép xây dựng”.

Thanh tra Bộ yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô nghiêm túc chấn chỉnh những sai phạm và thi hành quyết định xử phạt trong thời gian 10 ngày, qua thời hạn trên sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Tôi đã cho Thanh tra kiểm tra hồ sơ liên quan Tòa nhà Tháp Doanh nhân tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông), không những không có giấy phép mà chủ dự án còn không xin phép. Hiện tại, công trình đó (Tháp Doanh nhân) chỉ có 1 cái cọc bê tông và tường vây thi công.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong