VEC (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) ra đời với "sứ mệnh" đứng ra vay 100% vốn đầu tư các dự án đường cao tốc thay vì nhà nước bỏ ra 40%-60% như thường lệ. Kết cục, nhà nước đang phải gánh cho VEC 54.425 tỉ đồng
VEC (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) ra đời với "sứ mệnh" đứng ra vay 100% vốn đầu tư các dự án đường cao tốc thay vì nhà nước bỏ ra 40%-60% như thường lệ. Kết cục, nhà nước đang phải gánh cho VEC 54.425 tỉ đồng
Không chỉ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mà 4 dự án khác do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư (Cầu Giẽ - Ninh Bình 8.974 tỉ đồng, Nội Bài - Lào Cai 30.132 tỉ đồng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 20.630 tỉ đồng, Bến Lức - Long Thành 31.320 tỉ đồng) đều bộc lộ nhiều vấn đề về tài chính khiến Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay "con cưng".
Kỳ vọng rồi thất vọng
VEC ra đời với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Đây là mô hình doanh nghiệp (DN) đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, VEC hoạt động theo hình thức vừa đầu tư vừa quản lý, khai thác. Ưu điểm của DN này là tiếp cận được các nguồn vốn vay không ưu đãi của các tổ chức tín dụng nước ngoài; có thể điều hòa, cân đối nguồn thu của các dự án để phục vụ công tác đầu tư, khai thác, kinh doanh nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép… Chính phủ đánh giá mô hình DN như VEC sẽ góp phần làm giảm gánh nặng nợ công, giúp nhà nước ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc có hiệu quả tài chính không cao nhưng phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng, kinh tế - xã hội…
![]() |
Hư 70 m2, sửa luôn 2.500 m2
Chiều 17-10, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết đã hoàn thành công tác sửa chữa mặt đường tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC làm chủ đầu tư) vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Theo VEC, dù diện tích mặt đường bị bong tróc khoảng 70 m2/3,1 triệu m2 tổng diện tích dự án nhưng để bảo đảm sửa chữa triệt để hư hỏng, các nhà thầu đã cào bóc sửa chữa 3.024,75 m2 VTO (lớp phủ siêu mỏng - có độ dày 3 cm) và 2.488,75 m2 lớp bê-tông nhựa hạt mịn (dày 5 cm).
Ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc VEC, cho biết trong quá trình sửa chữa mặt đường, chủ đầu tư đã cử cán bộ bám sát hiện trường, chỉ đạo nhà thầu thực hiện đầy đủ các bước theo đúng biện pháp thi công đã được tư vấn giám sát và VEC chấp thuận.
Trong chiều 17-10, Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT) cũng đi kiểm tra toàn bộ các hạng mục sửa chữa. Ông Tám cho hay dù đã khắc phục xong hư hỏng nhưng khi nào Bộ GTVT kiểm tra và chấp thuận thì mới được thu phí trở lại.
Mỗi ngày dừng thu phí, chủ đầu tư thất thu khoảng 500 - 600 triệu đồng.
Tr.Thường
QUAN SÁT
PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM:
Vai trò các cơ quan kiểm định?
Theo nguyên tắc quản lý, bất kỳ một quy trình, công việc gì cũng cần chia nhiều công đoạn để các bên, chủ thể tham gia ở nhiều phân khúc nhằm đa dạng hóa và ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau.
Với những bất cập trong việc quản lý, thi công dự án đường cao tốc của VEC vừa qua, rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi về vai trò của các cơ quan kiểm định độc lập, hội đồng nghiệm thu, tổ chức giám sát. DN không thể làm một mình trong quá trình triển khai dự án.
TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế - tài chính:
Qua nhiều nấc, chất lượng giảm
Thực tế hiện nay nhiều tổng thầu không có năng lực về quản lý dự án, năng lực "lõi" về xây dựng. Vì vậy, nhiều trường hợp tổng thầu chuyển qua "sân sau" là "bán" cho các nhà thầu phụ, thậm chí qua rất nhiều nấc. Vì vậy, tại nhiều dự án, khâu thực hiện cuối cùng lại là các đơn vị xây dựng nhỏ lẻ, không đủ năng lực. Từ đó dẫn đến hàng loạt hệ lụy như kỹ thuật không bảo đảm, không đúng tiêu chuẩn và thậm chí làm tăng chi phí do phải qua nhiều khâu trung gian. Đó là chưa kể các tiêu cực như nhà thầu phụ ăn gian vật liệu, làm lệch chi phí. Vì vậy mới có nhiều trường hợp công trình vừa được đưa vào khai thác chưa lâu đã hư hỏng.
TS VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới:
Để "khép kín" dễ sinh sân sau
Sau sự cố tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Chính phủ và các bộ liên quan cần có những tổng kết, đánh giá thực chất hơn về việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc ở Việt Nam thời gian qua. Những bước xử lý của Bộ GTVT vừa qua như yêu cầu khắc phục hay kiểm điểm cán bộ chỉ là biện pháp trước mắt, mang tính chắp vá, chưa căn bản.
Đối với VEC nói riêng, khi dự án đường cao tốc hỏng hóc, cần có thanh tra, kiểm toán vào kiểm tra lại hoạt động của VEC, từ đó phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác đầu tư, xây dựng.
Về việc VEC là mô hình đặc thù khi vừa đầu tư vừa quản lý khai thác liệu có tạo ra kẽ hở cho các hoạt động "sân sau", chỉ định thầu hay không, tôi cho rằng với mô hình "khép kín" như vậy mà thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát thì sẽ xảy ra chuyện.
T.Phương - G.Minh - M.Chiến ghi