Chủ đầu tư bó tay, dự án bất động

Cập nhật 27/10/2013 08:45

Câu trả lời đơn giản nhất là: không làm gì cả! Nhưng liệu các chủ đầu tư có "khoanh tay đứng im" được như thế, khi nguồn vốn để phát triển các dự án nhà ở không hẳn là vốn tự có? Vấn đề của họ là tìm ra giải pháp để dự án bất động khởi động lại.

Câu trả lời đơn giản nhất là: không làm gì cả! Nhưng liệu các chủ đầu tư có "khoanh tay đứng im" được như thế, khi nguồn vốn để phát triển các dự án nhà ở không hẳn là vốn tự có? Vấn đề của họ là tìm ra giải pháp để dự án bất động khởi động lại.


Dự án dang dở tại Nhà Bè, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh

Công trường vắng vẻ

Quận 6, huyện Bình Chánh là khu vực được xác định có nhiều dự án trễ tiến độ và dừng xây dựng ở phía Tây Nam TP.HCM.

Năm 2012, chúng tôi đã có bài viết phản ánh về tiến độ của một số dự án tại đây nhưng đến nay, xem ra vẫn chưa có sự chuyển biến.

Cụ thể như dự án căn hộ Happy Plaza (đường Trần Đại Nghĩa, nối từ TP.HCM ra đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) do DNTN Thanh Tùng làm chủ đầu tư vẫn còn nguyên hiện trạng xây dở dang đến tầng 4.

Dù trước đó, theo kế hoạch, năm 2012 chủ đầu tư sẽ giao nhà cho khách hàng (khởi công xây dựng năm 2008). Được biết, hiện các sàn nhận bán căn hộ Happy Plaza như Tấc Đất Tất, Vàng đã ngưng phân phối sản phẩm này và nhân viên môi giới cũng không mạo hiểm để giới thiệu cho khách hàng.

Gần Bến xe Chợ Lớn, dự án căn hộ cao cấp Richland Emerald (đường Bãi Sậy, quận 6) cũng đứng sừng sững, ngổn ngang xác thô. Hàng rào vẫn còn che chắn dự án, bảo vệ vẫn luân phiên trực công trường nhưng không khí thi công nhộn nhịp đã tắt từ hơn hai năm nay.

Theo dự kiến, dự án Richland Emerald sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý III/2010 sau lễ khởi công rầm rộ hồi tháng 3/2008. Nên nhớ, thời điểm này, thị trường bất động sản (BĐS) đã bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn, mà khởi điểm là phân khúc căn hộ cao cấp.

Do ngay từ đầu, dự án được xác định là "khu phức hợp căn hộ - trung tâm thương mại cao cấp" nên giá chào bán căn hộ cũng "ngất ngưởng" từ 1.120 USD/m2. Với diện tích căn hộ dao động từ 94 - 174m2 (thậm chí căn penthouse lên đến 400m2), khách hàng muốn sở hữu căn hộ phải trả ít nhất 1,7 tỷ đồng.

Trong khi, ở xung quanh khu vực này, hiện đa số các chủ đầu tư nhắm vào phát triển dòng căn hộ có giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2/căn hộ. Việc phát triển dự án ngay thời điểm "nhạy cảm" và định giá sản phẩm không phù hợp nên chuyện khó huy động vốn từ khách hàng để phát triển dự án là điều tất yếu.

Song, đáng tiếc hơn hết là khu phức hợp căn hộ - thương mại cao cấp ở khu Nam Sài Gòn, từng được mệnh danh là "thiên đường nhiệt đới", dự án Kenton Residences do Công ty TNHH XD - SX - TM Tài Nguyên làm chủ đầu tư.

Kenton Residences trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè (TP.HCM), nếu so với các dự án gần kề như Phú Hoàng Anh thì Kenton có vị trí đắc địa hơn hẳn.

Tuy nhiên, với khối lượng công trình thực hiện quá lớn (6/9 tòa nhà) và giá chào bán dao động từ 1.500 - 2.250 USD/m2 ở thời điểm 2009 - 2010 đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Từ năm 2011 đến nay, công trình đã gần như ngừng thi công. Giấc mơ về một nơi an cư lý tưởng nhất khu vực có lẽ phải tạm gác lại vì hiện nay, ngay trục Nguyễn Hữu Thọ, hàng chục dự án căn hộ đang thi công, giao nhà, rao bán với mức giá khá phù hợp với nhiều khách hàng có nhu cầu.

Đại diện của Kenton Residences đã từng nêu ra giải pháp chuyển đổi dự án thành khách sạn 5 sao. Song, theo nguồn tin của chúng tôi, thỏa thuận giữa chủ đầu tư với đối tác nước ngoài không đi đến đâu vì nhà đầu tư ngoại muốn khai thác thêm casino trong khách sạn 5 sao này.

"Đánh điểm, không đánh lớn"

Kenton Residences, Happy Plaza hay Richland Emerald chỉ là những đơn cử cho tình trạng thi công chậm tiến độ của nhiều công trình nhà ở trên địa bàn TP.HCM hiện nay.

Theo khảo sát sơ bộ của phóng viên, ngoài những dự án vừa nêu, vẫn còn một số dự án khác dừng thi công hoặc thi công cầm chừng như: M&C Tower (quận 1), Waseco-Indochina Plaza (Tân Bình), Blue Star Block 1 (Phú Xuân, Nhà Bè), Song Da Riverside (P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), Ngọc Đông Dương (quận Bình Tân), 584 Lilama Nguyễn Oanh (Gò Vấp)...

Hiện nay, giao dịch căn hộ vẫn có nhưng chủ yếu diễn ra ở những dự án có mức giá chào bán vừa phải, chủ đầu tư đảm bảo về tiến độ xây dựng. Vậy, còn những "ca khó" trên thì sao? Chẳng lẽ không còn biện pháp nào để tiêu thụ những sản phẩm này?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành bày tỏ quan điểm, trước hết, chủ đầu tư dự án phải "tự thân vận động". Theo đó, một là giảm giá bán, hai là giảm diện tích căn hộ.

Việc giảm giá bán hiện đã được nhiều chủ đầu tư áp dụng, ít nhất cũng thu được những kết quả nhất định, điển hình như trường hợp của Phú Hoàng Anh, Sunrise City.

Lẽ dĩ nhiên, đằng sau việc giảm giá cũng có nhiều vấn đề được đặt ra nhưng ở khía cạnh nào đó đã đánh trúng khả năng, ý muốn của nhiều khách hàng. Riêng về phần điều chỉnh diện tích căn hộ, Sở Xây dựng TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định, xét duyệt hồ sơ xin giảm diện tích căn hộ của chủ đầu tư để dự án sớm được triển khai.

Đại diện công ty Đất Lành cũng "hiến kế", đối với những dự án có quy mô lớn, nhiều hạng mục, chủ đầu tư nên xem xét thêm về cách triển khai. "Thay vì "đánh" cùng lúc nhiều khối chung cư thì phải tập trung "đánh điểm", nghĩa là giải quyết dứt điểm từng khối một thông qua giảm giá, giảm diện tích căn hộ...

Ở những giai đoạn khó khăn cần phải có giải pháp quyết liệt và dứt khoát, nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng bế tắc kéo dài, áp lực tài chính càng đè nặng vì DN không chỉ phát triển dự án bằng nguồn vốn tự có mà còn phải vay từ phía ngân hàng, ông Đức nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài gòn