Chủ đầu tư bất động sản “kêu cứu”, dân mừng

Cập nhật 08/11/2011 15:10

Giá bất động sản ở Việt Nam đang bị thổi phồng lên quá cao, vì vậy, trước những biểu hiện giảm giá “sốc”, bán tống bán tháo các dự án của chủ đầu tư bất động sản để cắt lỗ, 95% người Việt Nam lại thấy mừng.

Giá bất động sản ở Việt Nam đang bị thổi phồng lên quá cao, vì vậy, trước những biểu hiện giảm giá “sốc”, bán tống bán tháo các dự án của chủ đầu tư bất động sản để cắt lỗ, 95% người Việt Nam lại thấy mừng.

Định giá quá thấp


Theo kết quả đánh giá tình hình đô thị hóa của Việt Nam vừa được WB nghiên cứu năm 2011, tại Việt Nam, chênh lệch lớn giữa giá đất do Nhà nước quy định và giá thị trường (thường gấp hàng chục lần giá Nhà nước) là một nguyên nhân làm méo mó và gây ách tắc thị trường đất đai, làm khó khăn thêm trong tiếp cận nhà ở của người dân. Giá đất cao cũng làm cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường xá ngày càng khó khăn.

Cụ thể, theo khảo sát của WB, giá bất động sản, đặc biệt là đất nền ở Hà Nội và TP.HCM cao hơn nhiều so với những thanh phố tương đương ở châu Á. Theo tiêu chí thế giới, giá đất nền tại Hà Nội hiện cao hơn gần 1.000 lần mức tiền thuê nhà hằng tháng ở cùng địa điểm, mà hiểu theo cách khác, đất nền được định giá ở mức tương đương tiền thuê khoảng 80 năm.

Bộ trưởng Bộ XD Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: C.A

Hệ thống hai giá này là “kẽ hở” để các nhà phát triển bất động sản thu lại một khoản lợi ích khổng lồ, trong khi, người sở hữu đất ban đầu và người mua nhà phải chịu thiệt hại

“Mức chênh lệch này quá bất thường. Với mức chênh lệch này, có lẽ chỉ có khoảng 5% dân số Hà Nội, chủ yếu là những người rất giàu có mới đủ khả năng mua nhà”, ông Dean Cira, chuyên gia trưởng Điều phối viên Ban đô thị của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Bên cạnh đó, việc tồn tại hai giá này cũng là nguyên nhân khiến Nhà nước phải đối mặt với hệ lụy: Sự gia tăng nhanh chóng các giao dịch bán đất đã góp phần vào sự mở rộng lộn xộn nhanh chóng của đô thị, sự thiếu thốn trầm trọng về cơ sở hạ tầng…

Còn đối với đại đa số người có nhu cầu nhà ở thì đang phải “gồng mình” lên để gánh chịu một mức giá quá cao so với thực tế. Vì vậy, việc hàng loạt các chủ đầu tư bất động sản thời gian gần đây bị vỡ nợ, phải bán tống bán tháo các dự án để cắt lỗ lại là tín hiệu mừng cho 95% người mua nhà.

Phát triển đô thị: Còn nhiều khó khăn

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hoá của nước ta đạt khoảng 38%. Cả nước sẽ có khoảng 870 đô thị các loại, tăng 125 đô thị so với hiện nay. Quá trình này được coi là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đô thị hoá mạnh mẽ cùng với tăng nhanh dân số đã tạo ra nhiều áp lực về việc cung cấp việc làm, chỗ ở, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội cho các đô thị.

Các đại biểu tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, các đô thị Việt Nam còn đứng trước các vấn đề lớn như chênh lệch giàu nghèo, tình trạng nhà ở đô thị, nhà ở của người di cư từ nông thôn ra thành thị, tỷ lệ tiếp cận giáo dục, tiếp cận y tế, tiện tích về văn hóa, hạ tầng đô thị, vấn đề sử dụng đất, giao thông và an ninh đô thị, tác động của biến đổi khí hậu, tài chính, quy hoạch và quản lý đô thị.

Một trong những thách thức được nhiều ý kiến đồng tình, đó là sự tăng dân số cơ học ở các đô thị lớn, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và công trình hạ tầng xã hội cũng như công tác quản lý đất đai, hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thị trường đất đai và quy hoạch đô thị là các yếu tố hết sức quan trọng hỗ trợ nền kinh tế đô thị hoạt động hiệu quả và công bằng.

Chuyên gia trưởng Điều phối viên Ban đô thị của Ngân hàng Thế giới, ông Dean Cira, nếu Việt Nam muốn nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thì phải đảm bảo dịch vụ kết nối, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến cải thiện đường xá đô thị và điều kiện cơ sở hạ tầng.

Ông Dean Cira cũng cho biết thêm mặc dù mức thu nhập của người dân đô thị đã được cải thiện nhưng vẫn có chênh lệch trong khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ được cung cấp. Do đó, cũng như nhiều quốc gia chuyển dịch từ giai đoạn bắt đầu cho tới giai đoạn trung gian của đô thị hoá và từ thu nhập thấp tới thu nhập trung bình, Việt Nam cũng cần phải quan tâm tới không chỉ cơ hội sử dụng mà cả chất lượng và độ tin cậy của những dịch vụ cơ bản.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News