Một trong những nhà đầu tư đang bị kẹt nhà đất tại Bình Dưong. Ảnh Di Lã |
Đã bước vào đầu năm mới 2010, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn phải ôm cục nợ từ cơn sốt đất Bình Dương năm 2007.
Theo báo cáo của sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh này có 197 dự án khu dân cư với diện tích đất được giao là 6.584ha. Đến cuối tháng 9.2009, trong tổng số các dự án đã giao đất chỉ có 51 dự án hoàn thành, chiếm tỷ lệ gần 25%. Hầu hết các dự án đang dang dở, chưa đền bù xong.
Qua thời hoàng kim
Cầm ly nước trà trên tay, anh Chín nhà ở khu J 50, khu đô thị Mỹ Phước 3 (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), nhớ lại thời hoàng kim của thị trường bất động sản Bình Dương. Thời điểm đó, nhiều hôm anh dắt mối được từ 2 - 3 vụ, bỏ vào túi 40 - 60 triệu đồng/ngày ngon ơ. “Do có đất nằm trong khu quy hoạch Mỹ Phước, nên tôi được cấp một nền tái định cư tại đây”, anh Chính cho biết thêm.
Rất đông nhà đầu tư từ TP.HCM kéo xuống đây mua nhà, đất rồi gửi lại hồ sơ cho anh Chín. Khi có người hỏi mua, anh chỉ cần báo với chủ đất, nếu giao dịch thành công anh được ngay từ 1 - 2% tiền hoa hồng trên tổng giá trị căn hộ.
“Năm 2007, ở Bình Dương có rất nhiều cò đất. Có người còn nói vui là “nhà nhà làm cò, người người làm cò. Ngày nào cũng có từng đoàn người kéo xuống đây mua nhà, đất mà chủ yếu là dân TP.HCM”, anh Chín nhớ lại.
Theo anh Chín, thị trường lúc đó như “lên cơn điên”, nhiều miếng đất chủ nhà không muốn bán nhưng khách cứ năn nỉ mua bằng được. “Việc mua, bán kéo dài đến tận ngày 30 tết mới được nghỉ”.
Anh Đức Lương, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Đức Lương (huyện Bến Cát), cũng là một nhà đầu tư nhà đất, cho biết vào năm 2007 giá đất ở đây bị giới đầu cơ thổi giá, gây sốt ảo, làm cho thị trường náo loạn, mọi người đổ xô vào tranh mua tranh bán. Hầu hết nhà đất đều được mua bán lòng vòng giữa các nhà đầu tư, mà chủ yếu là “cò” với nhau, chứ người dân mua để ở rất ít.
Cùng một miếng đất người này cầm chưa nóng tay người khác đã nhảy vào tranh mua. Chính vì vậy, lúc đầu giá căn hộ tại đây chủ đầu tư đưa ra chỉ 900 triệu đồng/căn, vào tay giới đầu cơ đã “thổi” lên 1,7 tỉ, thậm chí 2 tỉ đồng một căn.
“Lúc đó một ngày giá nhà đất tăng 2 - 3 lần, tăng sốt cả ruột. Ai cũng sướng vì hễ mua được, rồi bán ngay đất là cầm chắc lời trong tay”, anh Lương kể.
Ôm thêm cục nợ
Theo nhận định của các công ty môi giới, nhà đầu tư thì năm 2007 Bình Dương đúng là thiên đường để “lướt sóng”. Song, chỉ có những “cò” lớn mới thắng, còn đa số “cò” con, nhà đầu tư gần như lỗ chỏng vó. Họ mua với mục đích bán lại kiếm lời nhưng bây giờ đang mắc kẹt tại thị trường này, không thể rút chân ra được. Thậm chí có người, trước đây có trong tay tiền tỉ, nay tay trắng, phải đi… chăn dê.
Cầm trên tay một xấp sổ đỏ photo, anh Minh, một nhà môi giới của trung tâm địa ốc Thổ Trạch tại khu đô thị Mỹ Phước 3 cho biết đây là bốn miếng đất của bà Phượng, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhờ anh bán giùm.
Theo lời anh này, trước năm 2007, bà Phượng mua bốn lô đất tại đây với giá khoảng 600 triệu/lô đất 300m2. Năm 2007, khi giá đất mỗi ngày lên 2 – 3 giá nhưng bà Phượng ngần ngừ không bán do tiếc. Nay giá mỗi lô đất còn khoảng 450 triệu đồng mà kêu bán chả ai quan tâm.
Anh Đức Lương nhớ lại hồi năm 2007 anh vay thêm tiền ngân hàng lúc đó lãi suất từ 17 – 20%/năm, để tham gia lướt sóng nhà đất. Đến nay ngoài tiền nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng anh Đức Lương còn phải ôm bốn nền đất tại khu đô thị Mỹ Phước 1 và 3.
Những người anh Lương rủ rê xuống Bình Dương đầu tư không những không có lời mà hiện còn hàng chục nền đất tại khu đô thị Mỹ Phước 1, 3 không bán được. “Bây giờ gặp ông bác, ổng còn chửi khéo, tại mày hồi đó rủ rê mà toàn bộ số tiền con bên Mỹ gửi về cho dưỡng già giờ ngâm ở Bình Dương không biết khi nào mới rút ra được”, anh Đức Lương nói.
Hàng loạt nhà đầu tư từ TP.HCM tới Bình Dương mua đất cũng đang mắc kẹt tại thị trường này. Giới đầu tư mỗi khi nhắc đến những nhà đầu tư “thất bại” tại thị trường Bình Dương đều nằm lòng trường hợp một người “ôm” 30 nền mà không bán được. Đó là trường hợp của ông Mười, một đại gia tại huyện Bến Cát. Ông đã bán hơn năm hecta cao su để đầu tư 30 nền đất dự án khu đô thị Mỹ Phước 3, mỗi nền 300m2. Đến năm 2007, khi giá đất lên đến đỉnh điểm, nhiều người đã năn nỉ mua nền đất của ông với giá 1,9 tỉ đồng, nhưng ông không bán vì cho rằng “giá sẽ còn tăng nữa”.“Chính vì quá tham nên giờ đây giá mỗi nền chỉ còn hơn 800 triệu mà không có người mua. Tức muốn chết đi được”, ông Mười tiếc.
Trong một lần tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng, giám đốc sở Xây dựng Bình Dương thừa nhận rằng, nhu cầu nhà ở thật sự không nhiều lắm. Ngay cả khu dân cư Chánh Nghĩa nằm ngay thị xã, mặc dù xây dựng xong cả chục năm nay nhưng cũng còn có nhiều lô bỏ trống.
Hiện các công ty môi giới đang tìm cách bán tháo sản phẩm, bỏ thị trường này để chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác là Đồng Nai.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị