Chọn “mặt” cho đại lộ Đông Tây

Cập nhật 14/12/2009 08:35

Đại lộ Đông Tây chạy xuyên tâm TPHCM dài 20 km, rút ngắn thời gian từ quận này qua quận khác hay ngoại thành vào nội thành... có thể làm mát ruột các nhà quản lý giao thông nhưng lại đang làm đau lòng giới kiến trúc và những ai gắn bó với Sài Gòn...

Nếu không khẩn trương và thận trọng, kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây sẽ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đại lộ Đông Tây chạy xuyên tâm TPHCM dài 20 km, rút ngắn thời gian từ quận này qua quận khác hay ngoại thành vào nội thành... có thể làm mát ruột các nhà quản lý giao thông nhưng lại đang làm đau lòng giới kiến trúc và những ai gắn bó với Sài Gòn.
 

Kiến trúc kiểu “áo vá” đang mọc lên bên đại lộ Đông Tây


Xóa sổ “dĩ vãng”

“Việc xây dựng thiếu nguyên tắc, không được thiết kế đô thị kịp thời đã hình thành những mặt phố nhếch nhác, chắp vá đủ kiểu...”. kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thị Giang Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và phát triển đô thị Sài Gòn, đơn vị được thuê tư vấn đồ án thiết kế cảnh quan dọc trục đại lộ Đông Tây qua quận 5, nhận xét khi nhắc đến kiến trúc hai bên đại lộ Đông Tây. Nhỏ to, cao thấp, cũ mới... đủ các kiểu, các cỡ và màu sắc, những tòa cao ốc kính sáng loáng nằm cạnh những căn nhà lụp xụp, kiến trúc hiện đại xen giữa những kiến trúc thời Pháp thuộc khiến cảnh quan hai bên đại lộ không khác gì hai vạt áo vá.

Đại lộ Đông Tây chạy song song với rạch Bến Nghé- Tàu Hũ, nơi có nhiều kiến trúc cũ lưu dấu một thời “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn- Gia Định xưa. Thế nhưng những biệt thự cổ, cầu Móng, kho tàng bến bãi một thời đã không còn; những cầu Ông Lãnh, Chữ U, Chữ Y đã được thay bằng khối bê tông lạnh lùng bắc qua sông. Ngay cả con sông Bến Nghé- Tàu Hũ, quy mô đã bị thu nhỏ chỉ bằng dòng kênh tanh hôi, đặc quánh sình lầy. TS-KTS Lê Quang Ninh, người từng bỏ nhiều công sức, tâm huyết nghiên cứu bảo tồn kiến trúc rạch Bến Nghé- Tàu Hũ, không khỏi đau lòng khi thấy một khối kiến trúc đồ sộ cắm ngay đầu rạch, bên kia sông Sài Gòn và các cầu cắt ngang sông thành những đoạn nhỏ cản hết tầm nhìn của lòng sông đô thị vốn có của Sài Gòn. “Rạch Bến Nghé đang đi vào dĩ vãng!”- KTS Ninh nói.

Theo các chuyên gia trong ngành kiến trúc, khi mở một con đường, thiết kế đô thị phải được tính toán, trường hợp đại lộ Đông Tây đã thiếu thiết kế đô thị đi trước định hình, dẫn đến tình trạng rối ren về xây dựng, kiến trúc như hiện nay. Theo KTS Ninh, việc nghiên cứu kiến trúc cho đại lộ Đông Tây trong thời gian tới cần chú ý đến vị trí những công trình kiến trúc cũ tiêu biểu của TP như Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh), cột cờ Thủ Ngữ, Ngân hàng Nhà nước... để hài hòa không gian và không bị các kiến trúc mới che khuất.

Quận 5... đi trước

Sau khi giải tỏa nhà dân, UBND quận 5 đã thấy sự cần thiết về việc quy hoạch cảnh quan kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây qua địa bàn quận, vì thế quận đã thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu thiết kế cảnh quan khu vực này. Bà Huỳnh Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết đại lộ chạy qua quận 5 dài hơn 4 km, độ lùi tính theo ô phố thì tổng diện tích khoảng 8 ha, đây là tuyến đường quan trọng qua rất nhiều quận, huyện và cũng được UBND TP đưa vào danh mục tuyến đường văn minh đô thị nên quận rất chú trọng việc lựa chọn diện mạo tuyến đường.

KTS Nguyễn Thị Giang Thu phân tích: Lẽ ra khi mở một con đường nên có độ lùi là 50 m so với quy định để chỉnh trang và có kiến trúc đồng bộ hai bên đường. Với đại lộ Đông Tây, nếu phải giải tỏa nữa để kêu gọi đầu tư cho đồng bộ là điều không thể, nhưng cũng không thể cấm người dân chỉnh trang ổn định chỗ ở, vả lại cũng chưa nghiên cứu thiết kế đô thị quy định kiến trúc ngay từ đầu vì vậy phải chấp nhận một thời gian “quá độ” để dần hình thành bộ mặt đại lộ này.

Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình xây dựng và kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây, các chuyên gia tư vấn đã chia khu vực thành các ô phố, có cách chỉnh trang riêng. Đối với những ô phố rộng, ít công trình, sẽ đề xuất TP cho một số chỉ tiêu vượt khung về xây dựng kiến trúc: Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao... để tăng giá trị đất, mỹ quan đô thị cũng như tạo điểm nhấn. Đối với những ô phố có công trình dày đặc nhưng tuổi thọ dài khoảng 10-20 năm chấp nhận cho người dân tự chỉnh trang hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cũng có thể kêu gọi đầu tư theo cách chủ đầu tư tự thương lượng với người dân và chỉnh trang theo quy định của chính quyền... Thế nhưng đồ án này vẫn chưa thể thực hiện vì còn chờ thẩm định đánh giá của Sở Quy hoạch-Kiến trúc để làm đồng bộ toàn tuyến.

Đang đánh giá hiện trạng

Trong tháng 7-2009, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm nghiên cứu và ban hành quy định về quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông Tây. Thế nhưng đến nay dự án này vẫn ở giai đoạn phối hợp với các quận, huyện đánh giá hiện trạng công trình. theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc- Sở Quy hoạch-Kiến trúc, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu kiến trúc cho các ô phố dọc đại lộ Đông Tây, sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình ở tất cả các quận, huyện, mới đưa ra đề xuất giải pháp kiến trúc cho từng ô phố.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động