Cho vay mua nhà: Khách hàng đang quay lại

Cập nhật 12/06/2009 10:05

Lãi suất cho vay mua nhà ở, căn hộ đã giảm nhẹ, bình quân còn 12 – 13,5%/năm. Luồng vốn nhiều ngân hàng đổ vào phân khúc cho vay tiêu dùng nhà ở đang tăng. Mặc dù thận trọng đầu tư trực tiếp...

Lãi suất cho vay mua nhà ở, căn hộ đã giảm nhẹ, bình quân còn 12 – 13,5%/năm. Luồng vốn nhiều ngân hàng đổ vào phân khúc cho vay tiêu dùng nhà ở đang tăng. Mặc dù thận trọng đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư bất động sản, nhưng từ đầu năm đến nay ngân hàng lại đang mở rộng túi cho vay mua nhà ở.

Từ đầu năm, nhằm kích tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng tung ra gói tín dụng tiêu dùng 2 – 4.000 tỉ đồng tuỳ quy mô. Đến cuối tháng 3, lĩnh vực này chỉ nhích nhẹ trong khoảng 5 – 10%. Tuy nhiên, gần đây, dòng người tiêu dùng đã quay trở lại ngân hàng. “Sau đợt giảm giá hàng loạt của các căn hộ, lãi suất cho vay giảm nhẹ, người tiêu dùng đã thấy giá cả có thể chấp nhận được”, ông Đàm Thế Thái, giám đốc khối khách hàng cá nhân ngân hàng An Bình nói.

Đầu tháng 5 đến nay, một loạt các ngân hàng đẩy mạnh chương trình tín dụng bất động sản với lãi suất cho vay giảm nhẹ còn trung bình 10,5 – 12,5%/năm, tương đương 0,9 – 1%/năm với thời hạn kéo dài hơn.

Phần lớn ngân hàng vẫn cho vay 60 – 70 % giá trị căn hộ, thời hạn vay chỉ trong khoảng 10 năm, nhưng đã có một số nhà băng bắt đầu kéo dài thời hạn cho vay. Ngân hàng ANZ, tài trợ vốn mua nhà, đầu tư bất động sản có thời hạn vay tối đa 20 năm, với hạn mức tối đa 70% giá trị tài sản thế chấp. Ngân hàng Hàng hải (Maritime) và An Bình (ABBank) mới đây nâng tỷ lệ cho vay tới 90% giá trị căn hộ, thời hạn vay 15 năm ở Maritime và 20 năm ở ABBank.

Ngoài ra, các ngân hàng cạnh tranh bằng cách tung ra các tiện ích kèm theo như bảo hiểm, khuyến mãi. Như ABBank cho ân hạn trả nợ gốc tối đa đến 36 tháng với lãi suất 12%/năm và thời hạn vay trong 20 năm. Người vay có thể trả góp lãi giảm dần hoặc trả góp đều một khoản cố định trong thời gian vay. Các sản phẩm bảo hiểm cũng được kèm theo.

Năm nay, tỷ trọng cho vay mua nhà của ABBank dự kiến chiếm 50% tổng danh mục cho vay. Còn dư nợ cho vay tiêu dùng bất động sản của Sacombank hiện chiếm khoảng 15% tổng dư nợ. “Khi người dân mua nhà để ở, ngôi nhà trở thành một nơi thân thiết, không dễ dàng họ từ bỏ. Khác với người kinh doanh bất động sản, ngôi nhà lúc đó chỉ là một món hàng, họ sẵn sàng bán đi để lấy lợi nhuận”, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB lý giải việc rủi ro giảm đi khi đổ vốn vào bất động sản thông qua cho vay tiêu dùng. Trong suốt năm 2008, ngân hàng ACB chỉ cho vay đầu tư trực tiếp bất động sản một dự án duy nhất trị giá khoảng 80 triệu USD, còn phần lớn cho vay bất động sản thông qua tín dụng tiêu dùng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị