Cho vay mua nhà đất: Ngân hàng có quá tay?

Cập nhật 05/11/2007 13:00

Các ngân hàng đang ồ ạt đẩy mạnh cho vay mua nhà với những điều kiện tín dụng dễ dàng khiến có những liên tưởng đến kịch bản khủng hoảng tín dụng vừa diễn ra ở Mỹ gần đây.

Các ngân hàng đang ồ ạt đẩy mạnh cho vay mua nhà với những điều kiện tín dụng “dễ dàng” khiến có những liên tưởng đến kịch bản khủng hoảng tín dụng vừa diễn ra ở Mỹ gần đây.

Hàng loạt các chương trình cho vay mua nhà được các ngân hàng triển khai trong thời gian gần đây, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu chỗ ở thông thường còn là nhu cầu kinh doanh, đầu cơ.

Điều kiện cho vay hấp dẫn

Với nguồn vốn 500 tỉ đồng vay được từ công ty tài chính quốc tế, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang triển khai cho người dân vay vốn mua nhà. Nguồn vốn dài hạn này có mức lãi suất thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường nên Sacombank đã áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hơn. Lãi suất cho vay từ năm thứ 1 đến năm thứ 4 là 0,99%/tháng, từ năm thứ 5 đến cuối năm thứ 10 lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động 13 tháng cộng với 0,3%/tháng, từ năm thứ 11 trở đi mới áp dụng lãi suất thông thường.

Là ngân hàng duy nhất triển khai sản phẩm “Cho vay lãi cấn trừ bất động sản” trên thị trường, Sacombank đã tạo điều kiện cho khách hàng tiết kiệm hơn. Khi khách hàng vay tiền ngân hàng mà trong tài khoản tiền gửi có tiền thì số tiền này được tính lãi gần bằng với lãi vay. Tiền còn để trong tài khoản khách hàng ngày nào thì khách hàng đã trả lãi được ngày đó.

Eximbank cũng đẩy thời gian cho vay bất động sản lên 20 năm, thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng 2 ngày; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (Southern Bank) đẩy hạn mức cho vay từ 70% lên 85% giá trị tài sản đảm bảo... Sau 10 tháng triển khai sản phẩm mua nhà YOUhouse với thời gian trả nợ 20 năm, phương thức trả nợ linh hoạt, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) cũng đã có 1.100 khách hàng vay với tổng số tiền lên hơn 1.100 tỉ đồng.

Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng bắt đầu cho vay mua nhà với những ưu điểm khá cạnh tranh. Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) cho những khách hàng mua nhà ở Phú Mỹ Hưng vay tiền mua nhà với thời gian lên đến 25 năm. Từ tháng 9 đến nay, ANZ cũng tung ra thị trường sản phẩm cho vay mua nhà trả góp với thời gian 20 năm, lãi suất 0,94%/tháng... đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng cá nhân.

Kịch bản tương tự thị trường Mỹ?

Theo đánh giá của ông Đàm Thế Thái – giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank, nhu cầu vay tiền mua nhà đất hiện nay đang tăng cao, đặc biệt là vào cuối năm. Số lượng các căn hộ chung cư cũng như dự án về bất động sản hiện nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ nhộn nhịp hơn với sự xuất hiện của các dự án lớn như khu dân cư 20ha tại phường Bình Trưng Đông, quận 2; khu dân cư số 5 với diện tích 34ha ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2...

Nhiều ngân hàng đã trở lại phương thức cho vay tính lãi suất theo dư nợ ban đầu thay vì dư nợ giảm dần. Lãi suất thực theo dư nợ ban đầu có thể lớn gấp đôi dư nợ giảm dần hoặc hơn nữa, tuỳ theo thời gian vay.

Sau một thời gian đẩy mạnh huy động vốn, lượng vốn các ngân hàng huy động được hiện nay đang trong tình trạng dư thừa. Trong khi đó, với chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát cho vay chứng khoán xuống dưới 3%, các ngân hàng khó “đổ” vốn vào thị trường chứng khoán. Do đó, vốn được “bơm” vào thị trường bất động sản.

Trong số khách hàng vay tiền ngân hàng giải quyết chỗ ở thì cũng có không ít khách hàng vay đầu cơ bất động sản. Kịch bản của ngân hàng ở Mỹ đã gặp phải là bài học mà các ngân hàng Việt Nam cần xem xét. Một phó tổng giám đốc ngân hàng cổ phần lo ngại khi giá nhà đất ở mức cao mà các ngân hàng đổ xô cho vay với hạn mức cao sẽ gặp nhiều rủi ro. Đối với người dân vay mua để ở thì không lo nhưng giới đầu cơ vay để mua vài căn thì cần báo động.

Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc điều hành Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cảnh báo về cho vay bất động sản nhưng nay sẽ không đưa ra cảnh báo nào bởi đây là một lĩnh vực khá nhạy cảm. Các ngân hàng có quyền kinh doanh, tự quyết định và chịu trách nhiệm. Các ngân hàng “liệu cơm mà gắp mắm”.

Tuy nhiên các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua các quy tắc để rơi vào tình trạng rủi ro cao thì lúc đó Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp phạt. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có lưu ý một số ngân hàng lớn về vấn đề này”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị