Cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại: Tiếp tục ế ẩm

Cập nhật 14/02/2013 09:44

Cũng như các phân khúc thị trường bất động sản (BĐS) khác, văn phòng cho thuê cũng chịu những tác động bất lợi từ nền kinh tế khó khăn, công suất thuê, giá thuê đều tiếp tục đà sụt giảm.

Cũng như các phân khúc thị trường bất động sản (BĐS) khác, văn phòng cho thuê cũng chịu những tác động bất lợi từ nền kinh tế khó khăn, công suất thuê, giá thuê đều tiếp tục đà sụt giảm.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Công ty TNHH Savills Việt Nam, công suất thuê văn phòng tại thị trường Hà Nội giảm 3% so với thời điểm cuối quý III-2012, đạt mức trung bình 76%; trong khi giá cho thuê bình quân cũng giảm khoảng 2%, về mức 435.000 đồng/m2/tháng. Nếu xét theo hạng nhà, công suất thuê trung bình văn phòng hạng B giảm nhiều nhất, ở mức 5%, tiếp đến là văn phòng hạng A giảm ở mức bình quân 3%, còn văn phòng hạng C giảm thấp nhất 1%. Ngược lại, giá cho thuê văn phòng hạng C lại giảm nhiều nhất, khoảng 3%, xuống còn 294.000 đồng/m2/tháng; giá thuê văn phòng hạng A giảm 2%, ở mức 629.000 đồng/m2/tháng, trong khi hạng B chỉ giảm 1%, ở mức 444.000 đồng/m2/tháng. Báo cáo lý giải, văn phòng hạng B tương đối ổn định, không có sụt giảm lớn về giá và công suất là vì thời gian qua đây là phân khúc có diện tích thuê thêm cao nhất (18.300m2), chiếm 66% tổng diện tích văn phòng được thuê thêm của thị trường Hà Nội. Đáng lưu ý, diện tích thuê thêm của văn phòng hạng A khu vực phía tây Hà Nội cũng tăng mạnh, đạt khoảng 7.000m2 là nhờ nhiều khách hàng nước ngoài đã chuyển về khu vực này để tận dụng mức giá thuê hợp lý hơn khu vực trung tâm mà diện tích thuê vẫn có thể giữ nguyên, thậm chí còn lớn hơn. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận sự chênh lệch giữa nguồn cung và nguồn cầu. Trong khi nguồn cầu chịu tác động của nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô văn phòng thì nhiều dự án văn phòng đã đến thời điểm hoàn thiện, đưa vào khai thác. Đến đầu năm 2013, Hà Nội có thêm khoảng 84.000m2 văn phòng cho thuê mới từ 8 dự án, đưa tổng nguồn cung của thị trường lên khoảng 1,14 triệu mét vuông. Quận Cầu Giấy và Đống Đa là nơi có nguồn cung chính, chiếm 45% tổng diện tích văn phòng. Tính đến năm 2015, Hà Nội sẽ có thêm 860.000m2 văn phòng mới từ 62 dự án.

Chứng kiến xu hướng tương tự, phân khúc mặt bằng bán lẻ (trung tâm thương mại, siêu thị…) cũng tăng nguồn cung, giảm công suất thuê và giá thuê. Thời điểm cuối năm 2012, phân khúc thị trường này đón thêm 5 dự án mới, đưa tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội đạt mức 752.000m2, tăng 25% so với đầu năm 2012. Trong khi ở các dự án cũ, chủ đầu tư tiếp tục giảm giá để giữ khách thuê và cố gắng lấp đầy diện tích trống. Nhiều trung tâm thương mại cao cấp giảm giá khi sức mua giảm trong thời điểm kinh tế khó khăn. Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, công suất thuê mặt bằng bán lẻ trung bình đạt 89%, giảm 3% so với cuối quý III-2012, trong khi nhiều khách hàng kinh doanh chưa mở cửa hàng dù đã cam kết thuê trong các trung tâm thương mại. Tính đến năm 2015, thị trường có thêm 1,6 triệu mét vuông bán lẻ, từ 79 dự án. Gần hơn trong quý I-2013, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza mở cửa trở lại và tiếp đó Vingroup tung ra hai dự án quy mô lớn là Times City và Royal City với tổng diện tích 440.000m2.

Phân khúc khác ít được chú ý là căn hộ dịch vụ lại ghi nhận sự tăng giá và công suất thuê, mặc dù ở mức nhẹ, từ 0,3% đến 1,4%. Căn hộ hạng A hiện có giá thuê gần 700.000 đồng/m2/tháng. Hạng B có mức giá 431.000 đồng/m2/tháng. Còn hạng C, ở mức giá 331.000 đồng/m2/tháng.

Tuy nhiên, điểm lưu ý là đa số dự án căn hộ dịch vụ đều thuộc diện "cao cấp" phục vụ chuyên gia, người nước ngoài. Căn hộ cho thuê dành cho người Việt, nhất là người lao động hầu như không có.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới