Chợ hay Trung tâm thương mại ?

Cập nhật 30/08/2007 12:00

Theo thông tin ban đầu mà các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Da có được qua phương tiện thông tin đại chúng, trên nền chợ Hàng Da cũ, chủ đầu tư là Cty CP XD Sông Hồng sẽ....

Theo thông tin ban đầu mà các hộ kinh doanh tại chợ Hàng Da có được qua phương tiện thông tin đại chúng, trên nền chợ Hàng Da cũ, chủ đầu tư là Cty CP XD Sông Hồng sẽ cho xây một chợ mới khang trang, hiện đại. Nhưng hình thù chợ mới ra sao, những bài báo đó không nói tới. Vì vậy, đại diện các ngành hàng đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị đi các cơ quan để hỏi rõ hơn.

Ngày 10 - 7 - 2007, Cty CP XD Sông Hồng có thông báo sẽ tổ chức họp lấy ý kiến các hộ kinh doanh. Tiếp đó, các hộ kinh doanh nhận được Thông báo số 118/TB - UBND ngày 3 - 8 - 2007 của UBND quận Hoàn Kiếm. Sau khi viện dẫn các văn bản của UBND thành phố Hà Nội, bản thông báo lại nêu dự án xây dựng là “Trung tâm thương mại chợ Hàng Da”. Thời gian khởi công xây dựng TTTM chậm nhất là đầu tháng 11 - 2007, thời gian di chuyển các hộ kinh doanh sang chợ tạm Phùng Hưng chậm nhất đầu quý IV - 2007.

Điều này đã khiến hàng trăm hộ kinh doanh thật sự hoang mang bởi chợ Hàng Da hiện tại là một chợ dân sinh. Việc xây dựng lại một chợ dân sinh trên nền chợ cũ khác hoàn toàn với việc xóa bỏ chợ dân sinh để xây dựng TTTM. Cuộc họp tổ chức sau đó vào ngày 6 - 8, chỉ có tổ trưởng các ngành hàng và thành viên Ban chấp hành Hội phụ nữ chợ Hàng Da được mời đến dự.

Tại cuộc họp này, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư và Ban Quản lý chợ cũng không đưa ra câu trả lời chính thức về quy mô, tính chất của chợ mới bởi “phương án, bản vẽ thiết kế còn chưa được phê duyệt”.

Vậy mà Thông báo 118/TB - UBND đã đặt ra hạn định buộc các hộ kinh doanh di dời ra chợ tạm Phùng Hưng chậm nhất đầu quý IV để chủ đầu tư khởi công xây dựng chợ đầu tháng 11 - 2007. Liệu đến lúc buộc phải di dời ra chợ tạm, những người có liên quan trực tiếp có được biết hình hài của khu chợ tương lai ?

Theo Quyết định số 13/2006/QĐ - BXD ngày 19 - 4 - 2006 của Bộ Xây dựng ban hành TCXDVN 361:2006, “chợ” được định nghĩa là một môi trường kiến trúc công cộng của một khu vực dân cư, cho phép hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ thương nghiệp. Chợ dân sinh là chợ kinh doanh các mặt hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của dân cư khu vực.


Còn theo Quyết định số 1371/2004/QĐ - BTM ngày 24 - 9 - 2004 của Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, TTTM, "Trung tâm thương mại" được hiểu là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê... .

Như vậy, chợ và TTTM là hai khái niệm chỉ hai loại hình tổ chức kinh doanh khác hẳn nhau, không thể đồng nhất. Nếu xây dựng “chợ” có nghĩa những người đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày tại chợ dân sinh Hàng Da hiện nay vẫn có cơ hội kinh doanh tại vị trí cũ. Nếu xây dựng TTTM, việc tồn tại một chợ dân sinh trong lòng TTTM liệu có phù hợp và đạt hiệu quả kinh doanh?

Thông tin một TTTM sẽ được xây dựng trên nền chợ Hàng Da cũ cũng khiến người dân khu vực xung quanh hết sức quan tâm. Khi mà các phường Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bồ, Hàng Bông, Điện Biên... nỗ lực giải tỏa chợ cóc, hàng rong, xây dựng tuyến phố văn minh thì vai trò của chợ Hàng Da là rất lớn. Chợ dân sinh này giáp với ba mặt phố, có 5 lối ra vào, có quầy, sạp quay ra mặt đường nên rất thuận tiện cho việc đi lại, mua bán của người dân (ảnh).

Việc tạt xe máy qua chợ Hàng Da để mua một món thực phẩm ngon không khó khăn gì nên người tiêu dùng lựa chọn vào chợ thay cho mua hàng bên chợ cóc vỉa hè. Vậy nhưng khi chợ dân sinh này không còn hoặc có chợ nhưng việc ra vào khó khăn, mua lạng thịt con cá cũng phải gửi xe, vào quầy thì e rằng chợ cóc vỉa hè lại có điều kiện phát triển. Nguy cơ này càng dễ xảy ra hơn khi mà cả khu vực dân cư rộng lớn không còn chợ dân sinh nào khác.

Việc xây dựng lại chợ Hàng Da khang trang, văn minh hơn là cần thiết nhưng “chợ” hay “trung tâm thương mại” sẽ được xây trên nền chợ Hàng Da?

Câu hỏi này đang là mối quan tâm hàng đầu của 500 hộ đang kinh doanh tại chợ Hàng Da và người tiêu dùng quận Hoàn Kiếm. Dư luận mong rằng, trước khi giải tỏa chợ cũ, chủ đầu tư và cơ quan quản lý sớm công khai dự án, bản vẽ thiết kế để những người kinh doanh tại đây có thể ổn định làm ăn, lập kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Theo Sơn Trà - Hanoimoi