Chính thức cấm EVN rót vốn vào bất động sản, tài chính

Cập nhật 27/08/2014 10:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Toà tháp đôi của EVN tại Hà Nội.

Đó là một trong những nội dung chính của quy chế quản lý tài chính của  EVN, vừa được Thủ tướng ký ban hành ngày 25/8.

Theo quy chế, EVN được quyền chủ động sử dụng số vốn nhà nước đầu tư, các loại vốn khác, các quỹ do tập đoàn quản lý vào hoạt động kinh doanh của EVN theo quy định của pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu.

Tập đoàn có trách nhiệm quản lý sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn có hiệu quả; báo cáo kịp thời cho chủ sở hữu, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc trường hợp sai phạm khác để thực hiện giám sát theo quy định.

Việc sử dụng vốn, quỹ để đầu tư xây dựng phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Bên cạnh đó, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.

Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.

Chính phủ cho phép EVN huy động vốn dưới các hình thức như phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Quy chế nêu rõ EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

Tuy nhiên, EVN được quyền chủ động huy động vốn nhàn rỗi của các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ. Trường hợp EVN huy động vốn từ các công ty có vốn góp dưới 100% vốn điều lệ thì phải có sự thoả thuận của các công ty này. Khi huy động vốn, hai bên phải thỏa thuận lãi suất huy động nhưng không cao hơn lãi suất thị trường tại thời điểm huy động theo quy chế huy động vốn do EVN ban hành...

Liên quan đến việc đầu tư vốn ra ngoài của EVN, Chính phủ chỉ đạo EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài tập đoàn thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.

Đặc biệt, EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Vốn ra ngoài EVN nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và các cấp tiếp theo; các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị của EVN.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy