Chính sách tháo gỡ BĐS: Đã thực sự sát với thị trường?

Cập nhật 19/05/2014 09:00

Vừa qua, Bộ Xây dựng trình Chính phủ 4 đề xuất nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã bị bác bỏ. Vấn đề này đặt ra câu hỏi, những nghiên cứu để Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp trên có thực sự sát với thị trường bất động sản hiện nay?

Vừa qua, Bộ Xây dựng trình Chính phủ 4 đề xuất nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một nửa trong số đó đã bị bác bỏ. Vấn đề này đặt ra câu hỏi, những nghiên cứu để Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp trên có thực sự sát với thị trường bất động sản hiện nay?

Theo đó với những đề xuất không cấp phép các dự án nhà ở thương mại mới trong năm 2014 của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 177/TB - VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.


Theo nhiều chuyên gia, dừng cấp phép mới các dự án nhà ở thương mại sẽ tạo điều kiện cho hàng tồn kho giữ giá thay vì giảm giá để bán

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện việc quản lý thị trường bất động sản theo Chỉ thị số 2196/CT-TTg, đối với các dự án nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới, chỉ hạn chế tối đa chứ nhưng không cấm theo đề xuất của Bộ Xây dựng.

Trước đó, theo báo cáo cũng như nhận định của Bộ Xây dựng, hiện nay thị trường đang ấm lên, lượng tồn kho đang giảm đáng kể. Cụ thể là: phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ nhà ở thương mại có diện tích nhỏ đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước. Tại Hà Nội, giá nhà trong 4 tháng đầu năm 2014 có dấu hiệu chững, không giảm tiếp, thậm chí một số dự án có vị trí tốt, diện tích nhỏ giá có xu hướng tăng nhẹ…

Tuy nhiên, căn cứ mà Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp lại là lượng tồn kho đang nhiều, do vậy, cần thiết phải dừng cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại.

Liên quan đến giải pháp này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đều không đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng, thậm chí, họ cho rằng, những chính sách mà Bộ Xây dựng đưa ra là thiếu thực tế và mẫu thuẫn với những thông tin mà Bộ này cung cấp trước đó.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), đề xuất của Bộ Xây dựng là hết sức vô lý và mâu thuẫn với bản thân Bộ Xây dựng.

“Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã liên tục thông tin về việc thị trường bất động sản ấm lên và lượng hàng tồn kho đang giảm, nhưng Bộ lại lấy lý do lượng hàng tồn kho đang còn nhiều để dùng cấp phép thì không được hợp lý cho lắm. Làm như thế, chẳng khác nào bảo vệ lượng hàng tồn kho cũ, thay vì giảm giá để bán được thì lượng hàng tồn kho trên lại ung dung trên thị trường”.

Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng không phù hợp và có nguy cơ tạo lợi ích nhóm. Bởi lệnh cấm sẽ vô tình tạo điều kiện cho các dự án đang xây và cuối cùng người chịu bất lợi vẫn sẽ là những người có nhu cầu mua nhà, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp.

Trong khi đó, trong 3 đề xuất khác liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bác đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn cho các hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu mở đối tượng như trên sẽ khó kiểm soát được đồng vốn của gói tín dụng và dễ nảy sinh tiêu cực.

Như vậy, trong những đề xuất nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản Việt Nam mà Bộ Xây dựng trình lên, thì một nửa trong số đó đã bị bác bỏ. Thiết nghĩ, việc đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn mà thị trường bất động sản đang gặp phải, đưa giá trị bất động sản về đúng với giá trị thực, người có nhu cầu thực sự tiếp cận được với nguồn vốn ưu đã của Nhà nước là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn này. Nhưng những giải pháp tháo gỡ cần xuất phát từ thực tế, để tránh việc những giải pháp đưa ra không những không mang lại hiệu quả mà có thể kéo theo những hệ lụy.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế & Dự báo