Cách đây gần 5 năm, một quyết định mang tính nhân văn- Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại các khu vực nông thôn ra đời làm nức lòng những người dân nghèo cả nước. Dù mang lại mái ấm cho nhiều gia đình nghèo, nhưng chương trình cũng bộc lộ không ít bất cập, cần rút kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp sau.
Những ngôi nhà nghĩa tình mang tên 167
|
Nhà 167- nhà của tình yêu thương
Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại khu vực nông thôn. Tiếp đó ngày 29/10/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/2010/QĐ-TTg để bổ sung thêm đối tượng là các hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách mỗi hộ gia đình từ 7,2 – 8,4 triệu đồng. Đồng thời các hộ dân sẽ được vay 8 triệu đồng với lãi suất ưu đãi (3%/năm) từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, chính sách cũng nêu rõ cộng đồng, địa phương huy động sức người sức của giúp người nghèo để xây dựng được một ngôi nhà diện tích khoảng 24m2, đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng, có tuổi thọ tối thiểu 10 năm cho người dân. Thế là, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chính sách đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt tỷ lệ 102,2% so với số hộ phê duyệt ban đầu (đạt 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cho biết: Mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn để hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Nếu tính bình quân mỗi hộ có 4 người, chương trình đã giúp cho 2 triệu người có nhà ở an toàn, ổn định. Chương trình 167 là một chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như chứng tỏ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với nhân dân.
Người nghèo… "chê” nhà 167
Dù Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: đã có gần 2 triệu người nghèo có nhà an toàn để ở, tuy nhiên qua quá trình thực tế công tác, chúng tôi đã gặp không ít câu chuyện vui buồn xung quanh "nhà 167”.
Câu chuyện, nhà đã xây xong nhưng đa số người dân được hỗ trợ nhà không dám vào ở vì sợ nhà sập bất cứ lúc nào đó là một thực tế diễn ra tại một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Theo bà Hồ Thị Điên (52 tuổi, trú thôn 1, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam): Gia đình bà được xét nhận hỗ trợ xây nhà từ Chương trình 167. Tuy nhiên nhà vừa xây xong chưa đầy 6 tháng thì đã lộ nhiều vết nứt và tường ngả màu vàng đục. Chỉ qua mấy cơn mưa đầu mùa mà các hạng mục của công trình này cứ thi nhau "oải” và xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Hồ Văn Xơ (trú ở thôn 7, xã Phước Công, huyện Phước Sơn) cho biết: "Nhà nước chăm lo cho đời sống của người dân nghèo miền núi chúng tôi nên đã hỗ trợ, đầu tư nhiều tiền bạc xây dựng nhà ở theo diện 167. Tuy nhiên, ngoài số tiền được hỗ trợ, mỗi hộ nghèo ở huyện Phước Sơn còn vay thêm từ ngân hàng chính sách xã hội huyện 8 triệu đồng/nhà để nâng kinh phí xây dựng lên 34 triệu đồng/1 nhà ở. Trọn vẹn là thế nhưng kết quả thì sao? Nhà 167 mà đơn vị thi công xây dựng cho nhiều hộ nghèo ở Phước Sơn làm rất cẩu thả, kém chất lượng. Để xảy ra tình trạng này là bởi khâu quản lý chất lượng công trình rất lỏng lẻo thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở cho nhà thầu rút ruột công trình. Hậu quả là nhà xây xong người dân không dám ở lại mắc nợ(vì nhiều hộ dân đã vay mượn, thậm chí mua vật liệu xây dựng với lãi suất cao để làm nhà. Họ nghĩ rằng, "hoàn công sẽ nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước”. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn để làm nhà ở lại rơi vào tình trạng chậm trễ, đặc biệt là vốn vay 8 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã bị "tắc”). Đã có tình trạng người dân phải giao bán nhà 167 vì không muốn lâm vào cảnh nợ nần.
Câu chuyện vốn giải ngân chậm, người dân sốt ruột phải vay nóng để bù tiền xây nhà là thực tế diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành. Ông Đinh Văn Ây- thôn Làng Bung, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà- Quảng Ngãi cho biết: Nghe nói làm nhà xong sẽ được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng, nhưng đến nay chỉ mới nhận được 15 triệu đồng. Còn 8 triệu đồng ngân hàng cho vay ưu đãi vẫn chưa thấy đâu! "Nhà mình nghèo lắm! Số tiền bỏ ra để làm nhà đều phải đi vay. Ngày nào cũng có người đến đòi nợ. Mình mong được hỗ trợ tiền sớm để trả nợ”.
Nhưng có lẽ bất cập nhất vẫn là câu chuyện những ngôi nhà rất đẹp mắt mọc lên giữa những bản làng nghèo nhưng lại bỏ không vì không hợp với người dân. Bộ mặt làng H’way, xã Hà Tam , huyện Đắk Pơ (Gia Lai), trong vài năm gần đây đã thay đổi khi xuất hiện những ngôi nhà mới khá bắt mắt được xây bằng bê tông, lợp bờ - rô - xi măng. Đó là những ngôi nhà 167. Nhưng có một điều lạ, bên cạnh ngôi nhà mới xây thì đồng bào Banar vẫn giữ lại ngôi nhà truyền thống của đồng bào mình. Trưởng làng Đinh Dyng cho biết, cả làng có 29 hộ thuộc diện được xây nhà 167, lúc đầu có nhà mới thì ai cũng phấn khởi, nhưng bây giờ thì nhiều nhà bỏ không.
Không chỉ không hợp tập quán của đồng bào mà rất nhiều ngôi nhà nghĩa tình mang tên 167 được xây vội vã ở những nơi không có nguồn nước, quá xa nơi canh tác… đã khiến người dân phải từ chối ngôi nhà mang đầy tính nhân văn này.
Dồn sức giúp người nghèo có nhà
Sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà cho người nghèo giai đoạn 2, đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg diễn ra mới đây. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào khâu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh những sai sót không đáng có xảy ra.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng chỉ ban hành chính sách không thôi thì chưa đủ. Cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo tiến độ thực hiện của các địa phương. Đồng thời Ngân hàng Chính sách xã hội phải chủ động huy động nguồn vốn (50%) để cho hộ nghèo vay làm nhà ở, tránh cảnh người dân được hỗ trợ lại rơi vào cảnh nợ nần. Đặc biệt tránh tình trạng nhà xây xong nhưng người dân không thể hoặc không muốn ở. Nếu làm không khéo sẽ làm giảm ý nghĩa của chương trình đầy tính nhân văn đối với những đối tượng nghèo khó trong xã hội.
Bổ sung vốn, giúp người nghèo có nhà
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét cấp bổ sung số vốn còn thiếu cho các địa phương đang thực hiện dở dang Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo quy định. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng thu hồi số vốn đã cấp thừa từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Đồng thời xem xét cấp bổ sung số vốn còn thiếu cho các địa phương đang thực hiện dở dang để làm nhà cho người nghèo.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết