Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh

Cập nhật 24/11/2011 10:00

Thông tin một doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng công bố thiết kế và có thể đưa ra thị trường loại căn hộ có giá bình quân khoảng 4 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thông tin một doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng công bố thiết kế và có thể đưa ra thị trường loại căn hộ có giá bình quân khoảng 4 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Như vậy, thiết kế điển hình cho nhà ở công nhân (NOCN) có diện tích khoảng 30m2, cộng gác lửng sẽ có giá thành dưới 150 triệu đồng. Trong khi căn hộ loại 60m2 dành cho hộ gia đình có giá khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, điều kiện khả thi là DN phải được địa phương bàn giao đất sạch. Đây cũng là điểm "nghẽn" khi triển khai các dự án NOCN hiện nay.

Khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Thăng Long tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Bá Hoạt

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau hơn hai năm triển khai, đến nay cả nước đã có 27 dự án NOCN được khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.015 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 866.600m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 139.800 công nhân tại các KCN. Trong số đó, đã có 9 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng (Hà Nội: 1 dự án, TP Hồ Chí Minh 8 dự án).

Tuy vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra do cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh. Việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN chỉ được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12-2009. Việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất gần như không đáng kể, trong khi vốn vay từ các ngân hàng thương mại phải chịu lãi suất cao và gặp khó khăn ở khâu thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất. Các địa phương chưa quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động khi thu hút đầu tư; các DN sử dụng lao động cũng chưa có trách nhiệm và cùng chia sẻ việc giải quyết nhà ở cho công nhân như một giải pháp thu hút lao động, ổn định sản xuất. Thực tế, tại các KCN hiện nay chỉ có khoảng 20% số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, với chi phí 150.000-200.000 đồng/ người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm. Trong khi mức thu nhập bình quân hằng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp (2-2,2 triệu đồng/người/tháng).

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, số công nhân, lao động thực tế tại các KCN hiện có khoảng 1,6 triệu và dự kiến đến năm 2015 khoảng gần 4 triệu người. Trong số đó, khoảng 70% là công nhân ngoại tỉnh, nhà xa có nhu cầu về chỗ ở. Như vậy, số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2015 khoảng 2,65 triệu người, tương đương khoảng 21,2 triệu mét vuông nhà ở và năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người tương đương 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Đây là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý, bởi Nhà nước chưa đủ điều kiện kinh tế để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, NOCN trong KCN. Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê mua, thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp. Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế... đủ mạnh để thu hút các DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển nhà ở xã hội, NOCN KCN.

Ðể phát triển quỹ nhà ở này, cần phải thực hiện các chính sách hỗ trợ tích cực. Cụ thể, về phía cung, chính sách phát triển nhà ở cho thuê cần đồng bộ từ khâu giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đến quản lý vận hành dự án; sử dụng minh bạch nguồn cung vốn; ưu tiên về thuế; áp dụng lãi suất ngân hàng ở mức vừa phải để nhà đầu tư có thể chấp nhận và phát triển được. Về phía cầu, chính sách nhà ở cần có ưu đãi cho người nghèo, người lao động tiếp cận các khoản vay dài hạn, chi phí thấp. Về mô hình phát triển, Bộ Xây dựng cho rằng hiện mới tập trung theo hướng phát triển chỗ ở cho công nhân lao động thuê. Tuy nhiên, công nhân trẻ phải lập gia đình, do vậy nên phát triển các loại căn hộ giá rẻ để cho thuê mua... Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở, có chính sách thu hút lao động tại chỗ để thực hiện chủ trương "ly nông bất ly hương" nhằm giảm nhu cầu chỗ ở. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của DN sử dụng lao động.

Cả nước đã có hơn 260 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 72.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt hơn 46.000ha. Có hơn 170 KCN đi vào hoạt động, còn lại đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Các KCN đã thu hút được gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 53,6 tỷ USD và gần 4.400 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 336.000 tỷ đồng...



DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới