Sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với thực tiễn.
Tạo ra hành lang pháp lý cụ thể minh bạch hơn để giải quyết những vấn đề bất cập trong lĩnh vực đất đai là mục đích đặt ra với cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Những bất cập
Trong những năm qua, với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội là địa phương triển khai thu hồi diện tích đất rất lớn. Tuy nhiên, việc thu hồi đất ở Hà Nội thường gặp khó do giá trị đất cao. Những người bị thu hồi đất thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian lại chịu thiệt, trong khi những người chây ì, sau nhiều năm lại được đền bù với mức giá cao hơn. Chính điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, bức xúc trong dư luận.
Thay đổi liên tục chính sách đền bù, hỗ trợ sẽ gây khó cho việc thực hiện GPMB.Ảnh: Đức San
|
Ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thừa nhận, có nhiều dự án, việc cưỡng chế, thu hồi đất vô cùng khó khăn. Người dân không hợp tác, không cho vào nhà đo đạc, khảo sát. Có những dự án kéo dài nhiều năm, chính sách đền bù liên tục thay đổi, trong khi giá đền bù càng về sau luôn cao hơn giá đền bù trước đó dẫn đến việc người dân có tâm lý chờ đợi để được đền bù cao hơn.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá, chính sách hiện hành về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đang có những bất cập. Lợi ích của Nhà nước và một bộ phận người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Trong đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay đổi nhiều qua các thời kỳ nên dẫn tới tình trạng so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong cùng một dự án nhưng thực hiện thu hồi đất qua nhiều năm.
Không đền bù đối với đất không hợp pháp
Để tránh xảy ra trường hợp cùng một dự án nhưng giá đền bù khác nhau, những người gương mẫu thực hiện di dời GPMB lại chịu thiệt, ông Vũ Minh Lượng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định cho rằng, chính sách đền bù cần ổn định, tránh thay đổi liên tục, gây khó cho việc thực hiện. Đất nông nghiệp nên áp dụng cùng mức giá đền bù, bất kể là ở nông thôn hay đô thị.
Một thực trạng bất hợp lý được chỉ ra, đó là những người chiếm dụng đất, xây dựng trái phép, khi tiến hành đền bù GPMB lại được áp dụng như những người có đất hợp pháp. "Với trường hợp đất không hợp pháp, khi thu hồi chỉ nên hỗ trợ chứ không đền bù" - ông Đinh Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND TP Ninh Bình bày tỏ quan điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đền bù cần theo sát giá thị trường, tuy nhiên, ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) băn khoăn, khi dự án kéo dài nhiều năm, mỗi năm giá đất lại tăng lên, sẽ dẫn tới nhiều mức giá đền bù. Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, đối với trường hợp người bị thu hồi đất cố tình không hợp tác, UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ra quyết định về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để lập dự án đầu tư, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
"Nghị định 69 (Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) quy định rõ về việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo hướng công khai với người dân. Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm lập phương án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực bị thu hồi đất, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư".Ông Nguyễn Mạnh HiểnThứ trưởng Bộ TN&MT
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị