Chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở VN: 'Mở' nhưng không 'cởi'

Cập nhật 22/09/2014 09:36

Được đánh giá là nguồn lực lớn để phá băng thị trường bất động sản, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn nên rất nhiều người đã bày tỏ thất vọng khi dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) vừa bỏ đi quy định cản trở người nước ngoài mua nhà tại VN nhưng lại "thòng" thêm điều kiện "trói chân" mới.

Được đánh giá là nguồn lực lớn để phá băng thị trường bất động sản, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn nên rất nhiều người đã bày tỏ thất vọng khi dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) vừa bỏ đi quy định cản trở người nước ngoài mua nhà tại VN nhưng lại "thòng" thêm điều kiện "trói chân" mới.

Cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà cao cấp sẽ mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế trong nước - Ảnh: Đình Sơn

Mở chỗ này, đóng chỗ kia

Họ đem tiền vào VN mua nhà thì tốt chứ sao lại làm khó dễ... Nếu chúng ta khắt khe quá sẽ đẩy họ chạy qua các nước láng giềng đầu tư. Như vậy, vô hình trung chúng ta đã đánh mất đi một dòng vốn từ nước ngoài chảy vào

Một doanh nhân Việt có nhà tại Singapore
 

Tính đến năm 2013, 5 năm sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 19 thí điểm cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN, trong 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN chỉ có 126 trường hợp được mua, sở hữu nhà. Nguyên nhân là Nghị quyết 19 quy định quá nghiêm ngặt, chỉ cho phép người nước ngoài có visa nhập cảnh vào VN từ 6 - 12 tháng mới được mua nhà. Ngoài ra, muốn sở hữu một căn nhà phải đáp ứng một trong số các điều kiện như phải là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có bằng đại học, kết hôn với công dân VN, có đóng góp cho đất nước VN và được Chủ tịch nước tặng bằng khen… Rồi khi đứng tên họ chỉ được ở, không được cho thuê, kinh doanh. Đó là chưa kể thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Do đó, người nước ngoài mặc dù có quá trình làm việc tại VN lâu dài, đủ các điều kiện để mua nhà ở nhưng vẫn chấp nhận ở nhà thuê. Số được mua, hầu hết chọn con đường kết hôn với công dân Việt. Cụ thể, trong 126 trường hợp nói trên có đến 108 trường hợp chọn cách này.

Chủ trương của Chính phủ là mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua, sở hữu nhà tại VN, nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại tỏ ra quá thận trọng và loay hoay khi liên tục rơi vào tình trạng tháo được nút thắt cũ thì lại "thòng" thêm điều kiện mới. Đơn cử, dự thảo luật Nhà ở của Bộ Xây dựng yêu cầu phải nhập cảnh vào VN mới được mua nhà, một phường chỉ được 250 trường hợp mua nhà, một dự án không được bán quá 40%. Sau nhiều góp ý, dự thảo mới nhất đã bỏ các quy định trên. Đặc biệt, mới đây dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định cá nhân nước ngoài phải có visa nhập cảnh vào VN 6 tháng, 12 tháng nhưng lại “thòng” thêm quy định "phải đang học tập, làm việc, sinh sống tại VN” mới được mua, sở hữu nhà...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, điều này đã làm mất tác dụng của chủ trương mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại VN. Quy định trên chẳng khác nào "hồi phục" lại yêu cầu phải có visa nhập cảnh vào VN 6 - 12 tháng trước đây. Trong khi thực tế nhiều doanh nhân nước ngoài có cơ sở kinh doanh tại nhiều nước, họ đến và ở, làm việc mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần. Họ đi lại thường xuyên nên có nhu cầu mua và sở hữu nhà tại VN. “Chỉ sửa đổi điều kiện này thôi thì toàn bộ chế định về quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân người nước ngoài trong dự thảo luật sẽ thật sự thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Châu phân tích.

Sao phải "chặn tiền" chảy vào trong nước ?

Ông Alan Phan, một Việt kiều Mỹ cũng là lãnh đạo một quỹ đầu tư tại VN, khẳng định ở các nước không cấm như ở ta. Singapore, Thái Lan... đều cho mua nhà "thả ga"; ở Mỹ, Úc miễn có tiền, muốn mua bao nhiêu cũng được. Thậm chí, ngân hàng còn bảo lãnh cho vay với lãi suất 3%/năm, thủ tục rất đơn giản. Khi nào bán lại có lời thì phải đóng thuế, còn nếu lỗ thì thôi. Trong khi ở VN, thủ tục rắc rối nên sẽ khó thu hút được dòng tiền nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn đầu tư hoặc mua nhà tại VN để ở, kinh doanh.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đang sở hữu một căn hộ cao cấp tại Singapore nói rằng đất nước này diện tích nhỏ, đất đai ít nhưng họ cũng không có quy định nào ràng buộc, cấm đoán người nước ngoài mua nhà. Bản thân ông không sống, học tập hay làm việc tại đây nhưng cũng mua được nhà, miễn có tiền là mua được. "Họ đem tiền vào VN mua nhà thì tốt chứ sao lại làm khó dễ. Hiện nay căn hộ tồn kho, nhất là bất động sản cao cấp, vẫn cao ngút trời, hãy cứ cho họ vào mua nhà, nhưng chỉ mua căn hộ cao cấp. Nếu chúng ta khắt khe quá sẽ đẩy họ chạy qua các nước láng giềng đầu tư. Như vậy, vô hình trung chúng ta đã đánh mất đi một dòng vốn từ nước ngoài chảy vào”, vị này nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho rằng ta đang chủ trương mở cửa thì không nên đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, cứng nhắc như dự thảo luật. Quy định này nếu được ban hành thì chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ phải điều chỉnh vì không hợp lý. “Thông lệ chung của quốc tế, cứ có tiền là mua, được sở hữu rồi muốn ở hay bán là tùy. Nên mở theo hướng cứ nhập cảnh vào VN là có thể mua và sở hữu bất động sản. Nước ta không nên đi ngược lại với xu thế chung của thế giới”, ông Thành kiến nghị.
 

Chỉ nên lưu ý các khu vực chiến lược

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TS Phạm Sĩ Liêm đặt vấn đề: Người nước ngoài muốn vào VN mua và sở hữu nhà để ở dưỡng lão thì sao chúng ta cấm? Hay trường hợp người có 2 quốc tịch thì Ban Soạn thảo luật Nhà ở sẽ quy định như thế nào? Những quy định thắt chặt quá mức cần thiết như vậy sẽ làm chậm quá trình phát triển của đất nước, cần phải loại bỏ. Thay vào đó, nên nới chính sách để thu hút ngoại tệ từ người nước ngoài. Mua càng nhiều nhà thì càng đổ nhiều tiền vào nền kinh tế trong nước. "Nới điều kiện cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại VN cũng chính là đưa ra thông điệp có ý nghĩa đất nước đang mở cửa thu hút vốn đầu tư từ ngoài vào. Họ vào ở rồi sẽ phát sinh nhu cầu về ở, sử dụng các dịch vụ khác”, ông Liêm phân tích và cho rằng: "Chỉ cần quy định cụ thể về việc người nước ngoài sở hữu những khu vực nhạy cảm như biên giới, vị trí chiến lược... Ngoài ra, cũng không nên cho mua, sở hữu tập trung tỷ lệ quá cao trong một khu vực, dễ làm ảnh hưởng đến văn hóa trong nước”.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên