Chính sách bồi thường, tái định cư: Hãy để địa phương sáng tạo hơn

Cập nhật 12/09/2009 09:05

Còn chưa đầy 20 ngày nữa, nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi tắt là nghị định 69) của Chính phủ...

Một khu dân cư mới nằm ngay bên chân cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) vừa được giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới - Ảnh: Đăng Nam.

Còn chưa đầy 20 ngày nữa, nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi tắt là nghị định 69) của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực (1-10-2009).

Thế nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn, thậm chí lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Tại hội nghị triển khai nghị định 69 do Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) tổ chức ngày 11-9 ở TP Đà Nẵng đã cho thấy điều đó.

Theo ông Phùng Văn Nghệ - quyền tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trước đây quyền điều chỉnh khung giá đất đã được Chính phủ trao cho lãnh đạo UBND tỉnh, TP quyết định. Tuy nhiên trước khi ban hành buộc chính quyền các tỉnh, thành sẽ phải thông qua thường trực HĐND cùng cấp. Điều này rất mất thời gian trong khi giá cả thị trường bất động sản liên tục biến động, do đó lần này nghị định 69 cho phép chủ tịch tỉnh, TP được quyền ban hành khung giá đất mà không cần chờ ý kiến từ HĐND cùng cấp. “Đây là một trong những điểm mới của nghị định” - ông Nghệ nói.

Giải tỏa trên 70%: hỗ trợ đến 36 tháng

Đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo ông Nghệ, lần này Chính phủ quy định rất rõ: “Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Cũng theo ông Nghệ, trước đây việc hỗ trợ di chuyển cho hộ gia đình, cá nhân sau khi bị thu hồi đất được quy định là 3 triệu đồng đối với di chuyển trong tỉnh và 5 triệu đồng đối với ngoài tỉnh. Vấn đề này sau một thời gian áp dụng cho thấy chưa thật phù hợp, do vậy lần này bộ sẽ giao cho các tỉnh, thành tự quyết mức hỗ trợ di dời.

Riêng đối với việc hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất sau giải tỏa (trước kia quy định hỗ trợ ba tháng đối với giải tỏa trong tỉnh và sáu tháng đối với ngoài tỉnh), nay nghị định 69 quy định lại: nếu bị giải tỏa mất 30-70% đất nông nghiệp thì mức hỗ trợ là 6-12 tháng (mỗi tháng tương đương 30kg gạo cho mỗi nhân khẩu). Nếu diện tích bị giải tỏa trên 70% thì mức hỗ trợ từ 12-36 tháng tùy từng trường hợp cụ thể. Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất ao vườn không được công nhận là đất ở thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, còn được hỗ trợ bằng 30-70% giá đất ở của thửa đất đó và diện tích được hỗ trợ không quá năm lần hạn mức giao đất ở tại địa phương...

Không nên có thông tư đi kèm


Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng, cho rằng: đối với các chính sách đền bù giải tỏa bộ nên để các địa phương tự quyết. Ông Điểu dẫn chứng: trong nhiều năm qua TP Đà Nẵng đã đi theo mô hình này và đã rất thành công, rất nhiều khu dân cư, tuyến phố giải tỏa mới chỉ trong một thời gian ngắn. Làm được điều này là bởi nhờ chính quyền tự tìm cách đàm phán với người dân. Và khi hai bên cùng gật đầu thì mọi việc sẽ ổn.

“Không ai hiểu người dân bằng chính chính quyền sở tại cả” - ông Điểu nhấn mạnh. Do vậy ông Điểu kiến nghị: không nên áp dụng các quyết định về mức hỗ trợ từ trên xuống, như vậy rất khó và không hợp lý. Ngay như việc kêu gọi các nhà đầu tư, nếu cứ đi đúng quy trình: lập dự án, thẩm định rồi lên phương án đền bù, giải tỏa... thì nhà đầu tư sẽ chán bởi quá mất thời gian.

Từ những kiến nghị đó, ông Điểu tha thiết: không nên ban hành thông tư đi kèm nữa (hiện thông tư này đang trong dự thảo lấy ý kiến chuẩn bị ban hành - PV). “Nếu ban hành thông tư thì có nghĩa là tự trói chân mình. Chỉ cần nghị định 69 là đủ. Có như vậy các địa phương sẽ sáng tạo hơn trong chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư...”.

Tương tự, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng cho rằng nếu bộ có ban hành thông tư hướng dẫn thì cần phải tinh gọn, không nên quá lê thê... Trong khi đó, một đại diện của Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Ngãi đề nghị không nên tính diện tích đất thu hồi để hỗ trợ đời sống cho dân bằng đơn vị phần trăm mà nên tính theo đơn vị mét vuông.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng nghị định 69 là lộ trình tiến tới việc điều chỉnh Luật đất đai, là cơ sở để xem xét lại chính sách đất đai vốn đang gặp nhiều trở ngại thời gian qua. Theo ông Hiển, thời hạn mà nghị định có hiệu lực không còn nhiều nữa, do đó đề nghị giám đốc sở tài nguyên - môi trường 63 tỉnh, thành phải tham mưu ngay cho chủ tịch tỉnh, TP ra các quyết định, nhất là trong lĩnh vực đền bù, giải tỏa để triển khai song song với nghị định 69 trên tinh thần hai bên cùng có lợi. “Làm sao dân không bị thiệt mà nhà đầu tư cũng không bỏ đi” - ông Hiển nhấn mạnh.

 

Về việc cho tiếp tục cấp sổ đỏ, sổ hồng:

Mẫu giấy chứng nhận mới đã có

Liên quan việc cho phép các địa phương tiếp tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng), Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết hiện mẫu (phôi) giấy chứng nhận mới (gồm bốn trang) đã được lãnh đạo bộ thông qua, nhưng chưa thể ban hành được bởi dự thảo về nghị định cấp giấy chứng nhận hiện vẫn chưa được Chính phủ thông qua. Ông Hiển tái khẳng định: tất cả giấy (phôi) chứng nhận mới đã và đang cấp theo chủ trương của Chính phủ đều có giá trị pháp lý và có quyền tham gia giao dịch dân sự.

Ông Hiển cũng yêu cầu giám đốc sở tài nguyên - môi trường 63 tỉnh, thành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cấp mới cho người dân theo mẫu giấy cũ đã được bộ chuyển về trước đó. “Cứ tiếp tục cấp, nếu sau này khi ban hành mẫu mới mà người dân cần đổi thì chúng ta sẽ đổi mẫu mới cho họ” - ông Hiển cho hay. Theo ông Hiển, khả năng vào đầu tháng 10 Chính phủ sẽ xem xét thông qua.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO