Chính quyền đô thị TP.HCM: Từ đề án đến thực tiễn

Cập nhật 22/01/2008 16:00

TP.HCM hiện đang hoàn tất đề án thí điểm thành lập chính quyền đô thị. Nếu mô hình này được thực hiện, sẽ là một bước đột phá về cải...

TP.HCM hiện đang hoàn tất đề án thí điểm thành lập chính quyền đô thị. Nếu mô hình này được thực hiện, sẽ là một bước đột phá về cải cách hành chính, hạn chế được tình trạng cắt khúc trong hệ thống chính quyền, giảm bớt tình trạng họp hành và các quyết định của UBND TP cũng sẽ được thực hiện nhanh hơn, thủ tục hành chính sẽ giảm bớt vì đã được phân cấp rõ. Tuy nhiên…

Bộ máy: ngày càng phình to

Một trong những mục tiêu mà chính quyền đô thị hướng tới là bộ máy hành chính được tinh giản đến mức tối đa. Người thủ trưởng đô thị sẽ có quyền quyết định nhanh và tức thì nhiều vấn đề quan trọng với đô thị.

Thế nhưng, thời gian qua, tại TP.HCM biên chế chẳng những không giảm mà càng ngày càng phình to ra. Năm 2007, biên chế của TP đã tăng thêm trên 3.570 người. Theo lý giải của UBND TP thì việc tăng biên chế hành chính là do đáp ứng yêu cầu thành lập thêm các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại một số sở ngành…

Mô hình chính quyền đô thị là mô hình tập trung quản lý ở cấp TP. Thế nhưng trong vài năm qua, TP.HCM chủ trương phân cấp mạnh cho quận huyện, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, gây băn khoăn về sự phình to của bộ máy cơ sở và chất lượng quản lý.

Một trong những bất cập, đó chính là việc phân quyền cho quận huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000, trong khi quận huyện không thể đủ người có năng lực thực hiện việc này.

Chính Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Chí Dũng cũng phải thừa nhận: “Trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đang lập tại quận huyện, đa số các đồ án đã triển khai xong phần quy hoạch kiến trúc nhưng bị vướng về quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật. 80% các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đang thẩm định tại sở (đã thẩm định xong phần quy hoạch kiến trúc) đều không đạt về hạ tầng kỹ thuật.

Nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng cán bộ kỹ thuật giúp quận huyện về thiết kế hạ tầng kỹ thuật còn mỏng, yếu, chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế hạ tầng kỹ thuật nên các quận huyện lúng túng khi triển khai đồ án… Quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 chưa được phủ kín đã gây rất nhiều khó khăn cho các quận huyện và người dân trong việc cấp và xin giấy phép xây dựng.

Ứng dụng công nghệ thông tin: nửa vời!

Ai cũng biết, muốn quản lý tập trung thì phải ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, xây dựng chính phủ điện tử. Thế nhưng TP.HCM lại triển khai rất chậm việc này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính tại các sở ngành, quận huyện còn rất hạn chế.

Có nơi, thậm chí còn chưa nối mạng Internet. Việc thất bại của Đề án 112 trên cả nước vừa qua cũng đã gây không ít khó khăn cho việc tin học hóa quản lý hành chính như kế hoạch đã đề ra. Không hiếm lãnh đạo đầu ngành của TP không biết sử dụng máy vi tính, bởi có chuyện gì trên mạng thì đã có trợ lý, nhân viên.

Việc phát hành và nhận thư mời họp, công văn qua hộp thư điện tử (email) trên hầu hết các quận huyện sở ngành của TP vẫn còn là… chuyện xa vời. Nơi thì nại lý do không bảo mật, nơi thì kêu không đủ phương tiện…, nên cứ sử dụng cách thủ công: gửi qua bưu điện hoặc có người giao thư trực tiếp cho chắc ăn.

Trong khi đó, nhiều quận huyện vẫn còn lúng túng trong ứng dụng Internet để xử lý các thủ tục hành chính. Như huyện Bình Chánh đến nay vẫn chưa kết nối được mạng nội bộ cho 6/16 xã (Tân Nhựt, Bình Lợi, Phạm Văn Hai, Qui Đức, Hưng Long và Đa Phước) do đường truyền.

Huyện Củ Chi thì 3 năm nay xin một đường truyền để liên thông thủ tục từ xã đến huyện vẫn chưa được. Để chuyển hồ sơ từ UBND xã, thị trấn đến UBND huyện và ngược lại, các xã vẫn phải hợp đồng với một người “chạy việc” - chuyển giao và tiếp nhận hồ sơ. Xã nào chưa có người “chạy việc” thì cán bộ nhân viên thay phiên nhau 2 lần/tuần đem hồ sơ lên huyện và nhận kết quả...

Hạ tầng đô thị - nhiều bất cập

Nhìn nhận về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị TP.HCM, kỹ sư Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng việc quy hoạch và quản lý sử dụng đất ở TP.HCM còn lãng phí và không hợp lý. Môi trường đất - nước - không khí - cây xanh ở TP đều có vấn đề hoặc ô nhiễm rất đáng báo động. Việc quản lý hạ tầng vẫn chưa đi trước một bước.

Quy hoạch trung tâm TP hiện nay chủ yếu vẫn là quận 1, 3. Điều đó đã kéo theo hàng loạt các vấn đề xã hội phát sinh. Vấn đề nhà ở, TP đã giải quyết khá tốt nhà tình nghĩa, tình thương nhưng với nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì… nghe nhiều hơn thấy…

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM) cũng cho rằng, việc quản lý và điều hành bộ máy hành chính hiện nay còn “giẫm chân” nhau, thậm chí còn bị vô hiệu hóa không phải do cấp dưới không làm, mà là bất khả thi…

Mới đây, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP, mặc dù đồng ý để TP.HCM thí điểm thực hiện đề án xây dựng chính quyền đô thị nhưng Bộ Chính trị cũng đánh giá: 5 năm qua, TP.HCM còn bộc lộ nhiều yếu kém.

Chủ yếu là công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, dẫn đến giao thông ách tắc, hệ thống thoát nước lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; chất lượng giáo dục còn thấp; chất lượng các cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu; vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn gây bức xúc cho nhân dân; tình trạng tai nạn giao thông, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội còn phức tạp… cải cách hành chính vẫn còn tình trạng nhiều thủ tục gây phiền hà cho người dân. Việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của TP còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Thí điểm xây dựng chính quyền đô thị trong một thực tế có nhiều tồn tại, bất cập như vậy, TP.HCM sẽ bắt đầu như thế nào?

Theo Sài Gòn giải phóng