Chiến lược phát triển thị trường bất động sản bền vững

Cập nhật 27/06/2014 09:57

Thời gian qua, thị trường bất động sản đã và đang phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch, bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Theo Chiến lược Phát triển thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, nhiều chuyên gia nhận định đây sẽ là những giải pháp hỗ trợ tích cực, góp phần điều chỉnh thị trường bất động sản hoạt động đúng hướng, lành mạnh và bền vững.

Thời gian qua, thị trường bất động sản đã và đang phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch, bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Theo Chiến lược Phát triển thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, nhiều chuyên gia nhận định đây sẽ là những giải pháp hỗ trợ tích cực, góp phần điều chỉnh thị trường bất động sản hoạt động đúng hướng, lành mạnh và bền vững.

Tái cơ cấu thị trường là một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng ưu tiên. Nguồn: internet

Thời gian qua, thị trường bất động sản phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch. Bên cạnh đó, tình trạng lệch pha giữa cung và cầu của thị trường bất động sản ngày càng trở nên rõ nét do việc theo dõi, đánh giá và dự báo không sát với nhu cầu thực tế của thị trường. Báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý I.2014 của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng giá trị tồn kho hiện tại của bất động sản là 92.690 tỷ đồng, giảm 1,87% so với tháng 12.2013. Tuy có giảm, nhưng nhìn chung lượng giảm không đáng kể, rất nhỏ so với tổng lượng bất động sản tồn kho còn lại.

Ngoài ra, một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài đã được tập trung đầu tư vào thị trường bất động sản nước ta. Cụ thể, tính đến hết năm 2013, cả nước đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp giấy phép, với tổng số vốn là 49,03 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta.

Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, một trong những giải pháp trước mắt được Bộ Xây dựng đề xuất trong Chiến lược phát triển thị trường bất động sản là tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để điều tiết thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quản lý thống nhất việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; ban hành cơ chế bảo đảm chênh lệch địa tô về đất phải được nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước để tái đầu tư, phục vụ lợi ích cộng đồng. Đồng thời, dùng một phần nguồn thu từ tiền sử dụng đất để hỗ trợ việc chủ động điều tiết thị trường đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật làm tăng giá trị sử dụng đất, phục vụ mục tiêu công ích, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước nhằm khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả; đẩy mạnh và đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn. Đây chính là những yếu tố bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển đô thị tự phát.

Cùng với đó, việc mất cân đối cung - cầu hàng hóa là một trong những hạn chế cơ bản của thị trường bất động sản trong giai đoạn trước, bởi vậy, thực hiện tái cơ cấu thị trường là một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng ưu tiên. Theo đó, tập trung phát triển đa dạng các loại hàng hóa, nhất là nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục lệch pha cung - cầu, chủ động bình ổn thị trường.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Xây dựng khẳng định, thời gian tới, chất lượng công tác dự báo nhu cầu về các loại hình bất động sản cần tiếp tục được nâng cao, nhất là dự báo về các bất động sản thiết yếu như nhà ở đô thị, khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà xưởng cho sản xuất kinh doanh. Quy định cơ cấu các loại nhà ở, đa dạng các loại hình sản phẩm ngay từ khâu quy hoạch, phê duyệt dự án để bảo đảm cân đối cung - cầu của thị trường, phù hợp kế hoạch phát triển từng loại bất động sản, của từng địa phương cũng như khả năng thanh toán của khách hàng.

Bộ Xây dựng còn đề xuất, quy định tất cả các địa phương phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm minh bạch hóa, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Nghiên cứu, xây dựng, sớm triển khai và tạo điều kiện cho các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ đầu tư đầu tư bất động sản, quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở... phát triển.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng thị trường thế chấp thứ cấp (tái thế chấp) bất động sản có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước nhằm tăng tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Và, xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng linh hoạt, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức tín dụng có thể huy động các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để cung cấp tín dụng cho thị trường, hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập trung bình, ổn định có khả năng mua nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại biểu Ngân dân