Chi phí của doanh nghiệp địa ốc leo thang

Cập nhật 12/05/2015 13:07

Chi phí bán hàng của các công ty địa ốc tại TP HCM đang tăng 2-3 lần trong khi chi phí đầu tư dự án cũng đội lên 30-50%, tạo thêm sức ép tăng giá bất động sản thời gian tới.

Chi phí bán hàng của các công ty địa ốc tại TP HCM đang tăng 2-3 lần trong khi chi phí đầu tư dự án cũng đội lên 30-50%, tạo thêm sức ép tăng giá bất động sản thời gian tới.

Thống kê của VnExpress dựa trên báo cáo tài chính năm 2014 của các công ty bất động sản niêm yết tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp có các khoản chi phí tăng nhanh trong vòng một năm qua.

Tập trung xây nhà ở xã hội, giá thấp, nhưng chi phí bán hàng của Hoàng Quân đội từ 16,6 tỷ đồng năm 2013 lên 35 tỷ đồng trong năm 2014. Trong khi đó, chi phí nhân viên cũng tăng gần gấp 3 lần. Chi phí quản lý tăng hơn 10%.

Nam Long, nhà phát triển bất động sản phân khúc bình dân cũng có chi phí bán hàng tăng 2 lần (từ 35 tỷ đồng vọt lên 70,8 tỷ đồng). Riêng ở phân khúc nhà phố xây sẵn, Khang Điền có chi phí bán hàng vọt từ 3 tỷ đồng lên thành 27,6 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2014.

Hầu như không chạy đua bung nhiều dự án mới trong năm 2014, Thủ Đức House vẫn gia tăng chi phí bán hàng, từ 5,6 tỷ đồng lên 9,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 20%. Vạn Phát Hưng tập trung thanh lý các dự án cũ, chi phí bán hàng tăng ở biên độ hẹp hơn, khoảng 10%.

Trong khi đó, ở hạng mục đầu tư dự án chi phí cũng đội lên đáng kể. Lãnh đạo một công ty bất động sản chuyên phát triển nhà trung cao cấp tại khu Đông TP HCM tiết lộ: "Từ năm 2015 nếu đi đầu tư một dự án hoàn toàn mới, đất sạch thì chi phí đội lên ít nhất 30-50% tùy vào vị trí".

Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp của các công ty bất động sản tại TP HCM đang không ngừng tăng lên. Ảnh: Vũ Lê

Theo chuyên gia này, chỉ tính trong thời gian đầu tư dự án trung bình 36 tháng với mức trượt giá tối thiểu 7% một năm thì trong 3 năm đã hao phí mất 21%, cộng thêm tiền sử dụng đất, chi phí nhân viên, chi phí bán hàng đều tăng thì chi phí đầu tư đã ăn hết phần lợi nhuận. "Điều này có thể gây áp lực thiết lập mặt bằng giá mới trong một vài năm tới", ông nói.

Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam phân tích, 7 năm địa ốc khủng hoảng giá nhà đất hầu như đi xuống hoặc đi ngang nhưng chi phí vẫn âm thầm đi lên. Vì vậy, đến năm 2014, với nguồn hàng được bung ra thị trường mạnh mẽ, chi phí của doanh nghiệp đội lên là quy luật tất yếu. "Các khoản chi phí này có thể sẽ còn tiếp tục leo thang trong năm 2015", ông dự báo.

Ông Nam giải thích, trong vòng 12 tháng qua, chỉ tính riêng chi phí bán hàng của ngành địa ốc tăng trung bình 20-30% do lương nhân viên, chi phí marketing đều đội lên khá nhiều. Nguyên nhân sâu xa là các công ty bất động sản thi nhau xả hàng, làm bùng nổ những cuộc chạy đua kiếm khách hàng trên diện rộng. Nguồn cung càng lớn, thị trường càng ngột ngạt thì sự cạnh tranh càng khốc liệt, do đó chi phí bỏ ra để bán hàng buộc lòng phải đội lên.

Mặt khác, ông Nam cho rằng chi phí hoa hồng cho môi giới bất động sản cũng tăng lên để cạnh tranh nhân sự giỏi. Do nhu cầu giải phóng hàng tồn của các doanh nghiệp rất lớn, thời gian bán hàng kéo dài hơn mới đủ sức chạy một chương trình marketing hiệu quả nên chi phí cũng nhích lên. Riêng chi phí đầu tư các dự án mới sẽ đội lên thêm ít nhất 30% là một thách thức không hề nhỏ đối với các nhà phát triển bất động sản.

"Những khoản chi phí của doanh nghiệp địa ốc không ngừng leo thang cho thấy sức ép tăng giá nhà đang âm ỉ. Đầu năm 2015 giá của bất động sản chỉ nhích lên 5-7% nhưng về lâu dài biên độ tăng giá có thể nhiều hơn", ông Nam đánh giá.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress