Chỉ nên hỗ trợ người mua nhà

Cập nhật 02/04/2013 08:15

Đó là ý kiến của TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM - về gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-4. TS Lê Thẩm Dương nói:

Đó là ý kiến của TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM - về gói 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15-4. TS Lê Thẩm Dương nói:

Nhiều chuyên gia cho rằng nên dành toàn bộ 30.000 tỉ đồng hỗ trợ người mua nhà, vừa giải quyết nhu cầu nhà ở vừa tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản - Ảnh: N.khánh

Tôi cho rằng gói cho vay hỗ trợ mua nhà theo nghị quyết 02 của Chính phủ là rất cần thiết, bởi nó không chỉ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), giải quyết nợ xấu mà quan trọng nhất là giúp những đối tượng có thu nhập thấp và trung bình có được cơ hội mua một căn nhà để an cư.

Ông Lê Thẩm Dương - Ảnh: T.Đ.
Có thể nói với lãi suất cho vay 6%/năm, những đối tượng như người có thu nhập thấp khu vực đô thị, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã được trao một cơ hội không thể tốt hơn để có thể mua cho mình một căn hộ để ở.

Tuy nhiên, việc triển khai nó như thế nào, ai được hưởng ưu đãi cần phải được làm rõ hơn. Đặc biệt, toàn bộ số tiền hỗ trợ trong chương trình này nên được tập trung hỗ trợ người mua nhà.

* Ông có thể giải thích rõ hơn lý do nên dồn toàn bộ số tiền của chương trình vào việc hỗ trợ người mua nhà?

- Trước tiên, số tiền này không phải là lớn nếu so với nhu cầu mua nhà của các đối tượng đã nêu trong nghị quyết 02, chưa kể nó kéo dài đến 10 năm. Hơn nữa, đây là chính sách kích cầu tiêu dùng, tạo thanh khoản cho thị trường, giải quyết hàng BĐS tồn kho.

Cho nên những đồng tiền này nên đến tay người tiêu dùng, những người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự. Đây là những người mua nhà để ở chứ không phải để đầu tư, kinh doanh. Với việc dồn hết số tiền này hỗ trợ người mua nhà thì số lượng người có thu nhập thấp và trung bình mua được nhà sẽ tăng lên, giúp giải một phần bài toán nhà ở cho những đối tượng mà lâu nay Chính phủ vẫn nhiều lần quan tâm và đề cập.

Và qua đó, nó cũng góp phần giải quyết hàng tồn kho BĐS, tạo thanh khoản cho thị trường này để gỡ khó cho các chủ đầu tư.

* Vì sao không nên sử dụng vốn này hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

- Như tôi đã nói, số tiền này không nhiều. Nếu dành một phần cho các doanh nghiệp, số lượng người có nhu cầu mua nhà được hưởng lãi suất hỗ trợ này sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ từ nguồn vốn này tập trung phát triển dự án, nếu không tiêu thụ được thì lượng hàng tồn kho không những không giảm mà còn có thể tăng lên. Khả năng này hoàn toàn xảy ra vì cầu tăng không bao nhiêu trong khi cung vẫn tăng.

Trong trường hợp giám sát không tốt, doanh nghiệp sử dụng những đồng vốn này sai mục đích thì tác động tiêu cực đến chương trình này. Cuối cùng, không loại trừ những tiêu cực phát sinh khi chọn lựa doanh nghiệp tham gia chương trình này. Không ai đảm bảo rằng sẽ không có lợi ích nhóm, không có sự “chạy chọt” để được hưởng lãi suất ưu đãi.

* Nhưng nếu không được hỗ trợ vốn, liệu các chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để triển khai, hoàn thiện dự án hay lại gầy thêm nợ và ôm tiền của người mua nhà?

- Trong thực tế, số tiền hỗ trợ người mua nhà rồi cũng sẽ quay lại với doanh nghiệp. Bởi lẽ theo quy định, người tiêu dùng chỉ được vay và giải ngân khi đã ký hợp đồng mua nhà.

Ngoài những dự án mà chủ đầu tư ôm tiền của khách hàng rồi sử dụng vào mục đích khác, phần lớn những dự án căn hộ dở dang hiện nay là do không bán được, chủ đầu tư không có tiền để tiếp tục triển khai. Một khi có người mua, có nguồn tiền mới, chủ đầu tư hoàn toàn có thể tiếp tục triển khai và hoàn thiện dự án. Do đó không có gì phải lo ngại là chủ đầu tư không có tiền nếu không được hỗ trợ vốn.

Riêng vấn đề giám sát để đảm bảo khách hàng nhận nhà đúng hạn, tôi cho rằng không quá khó khăn nếu có sự tham gia giám sát của ngân hàng (NH) cho vay.

Chẳng hạn, NH giám sát các hợp đồng mà chủ đầu tư ký với nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, với khách hàng... Tiền vay của khách hàng thay vì được chuyển cho chủ đầu tư sẽ được NH cho vay chuyển trực tiếp cho các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu... căn cứ vào khối lượng đã thực hiện, khối lượng vật tư đã cung ứng, có phiếu giao nhận hàng.

* Theo dự thảo thông tư hướng dẫn của NH Nhà nước, lãi suất cho vay ưu đãi 6%/năm đối với khách hàng chỉ kéo dài trong ba năm, đến ngày 15-4-2016, sau đó NH Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này khiến người có nhu cầu mua nhà chùn tay vì lo ngại lãi suất sẽ tăng mạnh sau thời gian được ưu đãi?

- Họ không tin tưởng, không an tâm và không dám vay là có cơ sở. Tôi cũng chẳng dám vì đâu biết tới đây lãi suất sẽ như thế nào. Theo tôi, tốt nhất là NH Nhà nước phải công bố mức lãi suất cụ thể trong suốt thời hạn ưu đãi mua nhà. Trong trường hợp không cố định được, có thể chọn các giải pháp khác khả thi và tạo sự an tâm cho người vay hơn. Chẳng hạn, có thể quy định lãi suất này bằng 50% trần lãi suất cho vay đối với những ngành ưu tiên. Như vậy, khách hàng sẽ lượng định được khoản lãi suất mà họ có thể phải trả.

* TS PHẠM ĐỖ CHÍ (cựu chuyên gia kinh tế tài chính IMF):

Cho nhiều ngân hàng tham gia


Chỉ nên dành gói hỗ trợ này cho người dân có nhu cầu và khả năng mua nhà, qua đó góp phần tạo thanh khoản, giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp BĐS chứ không nên đổ vốn cho chủ đầu tư vì 30.000 tỉ đồng so với thị trường BĐS không phải là lớn... Gói hỗ trợ này cũng nên cho nhiều NH thương mại tham gia, có thể chọn thêm năm NH thương mại có uy tín khác, thay vì chỉ có năm NH như đề xuất. Điều này sẽ hạn chế được lợi ích nhóm và đưa tín dụng đến được nhiều đối tượng hơn. Riêng mức lãi suất 6%/năm theo tôi là hợp lý, nhưng thời hạn ba năm là quá ngắn, nên ổn định 7-8 năm vì khủng hoảng tài chính sẽ không chỉ dừng lại ở ba năm mà có thể dài hơn.

* TS TRẦN DU LỊCH (đại biểu Quốc hội):

Nên giảm tiền sử dụng đất để kéo giá nhà xuống

Phải thống nhất từ trước đến nay trong các chính sách không có từ “cứu” hay “giải cứu” BĐS mà là hỗ trợ làm ấm một phân khúc BĐS. Nó cũng không chỉ hỗ trợ riêng BĐS mà lan tỏa ra các ngành nghề liên đới và giải quyết một phần lớn nợ xấu của NH thương mại. Tuy nhiên, gói 30.000 tỉ đồng cần minh bạch và chỉ dùng để tài trợ tín dụng cho những người dân đáp ứng đủ điều kiện và có nhu cầu mua nhà ở phân khúc bình dân. Ngoài ra Nhà nước cũng nên giảm tiền sử dụng đất xuống 50% đối với những dự án thuộc phân khúc nhà bình dân để kéo giá thành xuống, thay vì thu 100% theo giá thị trường như hiện nay.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ