Chi 90 tỷ làm hầm đường bộ: Hà Nội có quá vội vàng?

Cập nhật 06/02/2014 10:38

Nhiều chuyên gia phân tích việc chi 90 tỷ xây hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Q. Hoàn Kiếm) của UBND TP. Hà Nội là chưa hợp lý.

Nhiều chuyên gia phân tích việc chi 90 tỷ xây hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Q. Hoàn Kiếm) của UBND TP. Hà Nội là chưa hợp lý.

UBND Hà Nội quyết định chi 90 tỷ để xây dựng hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội phải nghiên cứu kỹ các yếu tố tác động mới khi quyết định xây dựng dự án này.

Dự án hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm có dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng công trình này khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; đến hết năm 2015, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

Vị trí làm hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn với Chương Dương Độ

KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, theo bản quy hoạch từ năm 1992, tới năm 1996 Hà Nội đã đặt ra yêu cầu phải làm những nút giao thông để nối liền giữa các tuyến đường từ nội đô lên cầu và nối với các khu dân cư ngoài đê. 

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên có nhiều nút giao thông đã không được triển khai. Như vậy, để thông được khu vực nội đô với khu vực ngoài đê (theo quy hoạch hiện nay khu vực ngoài đê có khoảng gần 20 vạn dân cư) thì nhất thiết phải làm.

Theo ông Nghiêm, sẽ có hai giải pháp, một là cầu vượt hai là hầm ngầm. Nhưng nếu để làm cầu vượt nối thông từ Chương Dương vào Trần Nguyên Hãn rõ ràng là không hợp lý, hầm ngầm là phương án nên làm. 

Tuy nhiên, phương án ngầm hay vượt thì phải nghiên cứu kỹ cho phù hợp giữa các lập thể kiến trúc và đặc biệt là điều kiện địa chất.

Hơn nữa, hầm ngầm thông qua đê thì phải tính đến phương án khi biến đổi khí hậu cùng với mực nước biển lên sẽ không bị tác động đặc biệt là tình trạng ngập lụt. Nhất là trong điều kiện Sông Hồng đang được dự báo là nước dân lên và chắc chắn sẽ ngập lụt.

"Như năm 1971 ngập tới 11,5m thì các tuyến đường ngập lụt sẽ phải xử lý thế nào? Dự án đã nghiên cứu và tính tới những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng hay chưa?"- KTS Đào Ngọc Nghiêm đặt câu hỏi.

Ông Nghiêm cho rằng, vấn đề này đã được đặt ra từ 20 năm nay nhưng khi quyết định dự án phải nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh chứ không chỉ đơn giản là liên kết.

Với phương án hầm vượt sông Hồng, KTS vẫn bảo lưu quan điểm chưa nên làm vì trình độ kỹ thuật, vì điều kiện kinh tế chưa thật sự cần thiết phải làm trong lúc này. 

Đồng quan điểm, KTS Trần Trọng Hanh cũng cho rằng Hà Nội phải tính toán kỹ các yếu tố mới tác động.

Ông Hanh cho biết, tất cả dự án xây dựng nào cũng phải được làm dựa trên bản quy hoạch tổng thể được duyệt. Trong trường hợp này sẽ có hai giải pháp một là vượt hai là chui, nhưng giải pháp làm hầm chui là hợp lý hơn cả. 

"Tuy nhiên, tôi chưa được xem dự án triển khai cụ thể nên chưa thể nói nhiều. Tôi chỉ lưu ý việc xử lý công trình ngầm cũng có nhiều vấn đề. Ví dụ như xử lý vấn đề nước biển dâng, biến đổi khí hậu bắt buộc phải có giải pháp đồng bộ. 

Trong đó bao gồm khơi thông dòng chảy, chia sẻ lũ, tạo cốt nền… phải có những giải pháp xử lý cụ thể", ông Hanh nói.

Theo quyết định của Hà Nội, dự án làm hầm vượt đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, khai thác hiệu quả quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân.

Đồng thời, loại bỏ giao cắt giữa người đi bộ, các dòng phương tiện lưu thông trên đường, giữa khu vực trung tâm và ngoài đê hữu Hồng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và phát huy hiệu quả phân luồng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng công trình này khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; đến hết năm 2015, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.

UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, đồng thời trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư.

Kinh phí thực hiện chuẩn bị đầu tư khoảng 750 triệu đồng từ ngân ngân sách thành phố; dự kiến hoàn thành trong năm 2014.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt