Chỉ 13% đất dành cho giao thông, ùn tắc là tất yếu

Cập nhật 11/11/2011 08:15

“Nội thành Hà Nội diện tích 83 km2 nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5,2 km2 (đạt 6,18%). Tại TPHCM, diện tích đường chỉ có 7,8%, thậm chí có những quận chỉ đạt 0,2%” - đại biểu Lê Văn Học nêu bất cập trong quy hoạch sử dụng đất.

“Nội thành Hà Nội diện tích 83 km2 nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5,2 km2 (đạt 6,18%). Tại TPHCM, diện tích đường chỉ có 7,8%, thậm chí có những quận chỉ đạt 0,2%” - đại biểu Lê Văn Học nêu bất cập trong quy hoạch sử dụng đất.

Khó nói chuyện cải thiện giao thông ở 2 thành phố lớn


Phát biểu trong phiên thảo luận về kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) hướng chú ý đến chương trình, kế hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề cấp thiết, gắn với nội dung giám sát việc thực hiện bảo đảm trật tư an toàn giao thông.

“Tôi nghĩ để thực hiện việc này cho tốt, cần quan tâm chỉ tiêu đất hạ tầng giao thông. Vừa qua các chỉ tiêu này đều không đạt mục tiêu nghị quyết của Quốc hội giao” - đại biểu Đồng Nai cho rằng lý do không hoàn thành các chỉ tiêu này không phải do nguồn lực không bảo đảm như bản giải trình của Chính phủ, mà do thiếu sự quan tâm đúng mức từ Bộ, ngành và địa phương.

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cũng “cáo buộc” quy hoạch đất dành cho giao thông quá thấp và bất hợp lý. Chỉ tiêu tăng quỹ đất dành cho giao thông để đạt tiêu chuẩn ít nhất 25% không hoàn thành, chỉ được 13%. Đất cho giao thông tĩnh chưa được 1%, trong đó tiêu chuẩn của thế giới, các nước nói chung phải từ 3-3,5%.

Đất đô thị ngày càng tăng tỷ lệ xây dựng trong khi đường giao thông không thể mở thêm.

Theo kết quả thực hiện quy hoạch đến năm 2010, hiện cả nước có 256.684 km đường bộ, 160 cảng biển (trong đó có 54 cảng lớn), 23 sân bay, 2523 km đường sắt. Nhưng đường bộ không rõ cơ cấu, số lượng từng loại với công năng đến đâu. Số lượng cảng biển, sân bay lại quá nhiều (1/3 số tỉnh đã có cảng hàng không). Đường sắt thì thực ra con số báo cáo không phải thành tích của 10 năm qua vì đường sắt được xây dựng cách đây đã cả 100 năm, chưa có thay đổi đáng kể.

Trong khi đó, đất dành cho phát triển giao thông đô thị lại quá thấp. Hà Nội hiện có 7 quận nội thành với diện tích 83 km vuông nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5,2 km vuông (tỷ lệ chỉ ở mức 6,18%). Tại TPHCM, các quận vùng Sài Gòn, Chợ Lớn diện tích đường chỉ có 7,8%. Các quận mới, thậm chí có những quận chỉ đạt 0,2% đất dành cho giao thông.

“Công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng quyền hạn, chức vụ hoặc lợi dụng các chương trình, dự án của nhà nước để chiếm dụng, chia chác đất đai, hình thành thị trường ngầm không thể kiểm soát.”

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh)

Đất nông nghiệp thành vàng trong thế giới 7 tỷ người
Ông Học cho rằng đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng tai nạn và ùn tắc giao thông gia tăng khó tránh. Không thể nói đến chuyện cải thiện tình hình giao thông ở 2 thành phố lớn này với những con số như trên.

Theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đất dành cho giao thông sẽ tăng thêm 157.000ha so với năm 2010, lên mức 757.000ha. Đại biểu kiến nghị không dành tăng thêm cảng biển, càng hàng không vì đã quá nhiều. Phải làm rõ nhu cầu về quỹ đất dành cho đường sắt, đường bộ, cao tốc, quốc lộ… và đặt biệt ưu tiên dành đất cho phát triển giao thông đô thị.

Mang nỗi bức xúc của người nông dân mất đất trồng cấy, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích, 10 năm qua, 270 ngàn ha đất lúa bờ xôi ruộng mật đã được chuyển sang mục đích sử dụng khác như thành đất đô thị, đất công nghiệp. Nếu chỉ tính 1/4 diện tích đất này còn bỏ trống trong 2 năm chờ hoàn thiện thủ tục thì đã giảm thu khoảng 5.400 tỷ đồng, chưa kể hệ quả việc khối lao động nông nghiệp bị mất việc làm.

Cơ cấu sử dụng đất đến năm 2020, đất lúa tiếp tục giảm 308.000 ha, còn lại 3.812.000ha. 10 năm tới, mức giảm bằng114% so với 10 năm trước. Lo ngại về tốc độ mất đất lúa này, ông Tiến đề nghị: “Sử dụng đến đâu mới cắt đến đó, không thể cắt một loạt rồi để không như giai đoạn vừa qua. Không để lãng phí đất hoặc có điều kiện thì mới cắt đất để chuyển vì những năm tới với số lượng dân số thế giới đã vượt ngưỡng 7 tỷ người cùng tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, khó khăn, lương thực sẽ là một vấn đề cấp thiết”.

10 năm tới, đất lúa tiếp tục giảm hơn 114%.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng dẫn báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2008, hơn 366 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng trong 5 năm qua đã ảnh hưởng tới khoảng 950.000 lao động và khoảng 2,5 triệu người.

Tính ra, trung bình 1 ha khi thu hồi, có 10 nông dân bị mất việc làm. Với tốc độ trung bình 73,2 nghìn hécta đất bị thu hồi mỗi năm thì có khoảng 70 vạn nông dân thất nghiệp.

"Việc chưa hoàn thiện trong cơ chế chính sách sẽ tước đoạt quyền lợi chính đáng của người dân, vi phạm chế định sở hữu toàn dân về đất đai và kết hợp với việc không thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ đi kèm sẽ đẩy một bộ phận không nhỏ người dân ra khỏi đồng ruộng của họ dẫn đến người nông dân không nghề, không đất, không trợ cấp xã hội tất yếu sẽ bị đổi từ cuộc sống khó khăn sang cuộc sống khó khăn hơn", bà Lan nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí