Vẫn còn nan giải cho các dự án đang ỳ ạch khoác trên mình với chức danh dự án trọng điểm. Trong số này có dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), sau nhiều năm thi công đến nay vẫn chậm như “rùa bò”.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tập trung vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm đang thi công để sớm hoàn thành đúng kế hoạch, tránh kéo dài gây lãng phí vốn. Đồng thời, cũng cần làm dự báo khả năng cân đối vốn ngân sách để thực hiện lộ trình các dự án trong 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 tiếp tục trễ hẹn
|
Tuy nhiên, vẫn còn nan giải cho các dự án đang ỳ ạch khoác trên mình với chức danh dự án trọng điểm. Trong số này có dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), sau nhiều năm thi công đến nay vẫn chậm như “rùa bò”.
Được biết, dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 10 được khởi công từ đầu năm 2009 với hai đoạn: đoạn liên tỉnh lộ 10A (từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng) có chiều dài hơn 8 km do Khu quản lý Giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư; và đoạn liên tỉnh lộ 10B (thuộc địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) dài hơn 6 km do Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, hiện trên tuyến tỉnh lộ 10 vẫn còn ngổn ngang đất đá, mỗi khi có xe tải đi qua là bụi bay mịt mù. Đặc biệt hướng từ cầu Xáng về huyện Bình Chánh, đường co hẹp như nút “thắt cổ chai”, cộng với các cột trụ, vật liệu xây dựng của dự án được để tràn lan, làm tình hình giao thông gặp nhiều khó khăn.
Riêng đoạn liên tỉnh lộ 10B đến giờ còn vướng khoảng gần 80 hộ dân ở huyện Bình Chánh, nên gần một năm nay phía nhà thầu đã rút đi toàn bộ công nhân và thiết bị máy móc khỏi công trình. Hiện trạng còn ngổn ngang một số cọc bê tông, đá, gạch, các vật liệu xây dựng của dự án, phần nào đó cũng ảnh hưởng đến giao thông khu vực này.
Nhiều hộ dân trong khu vực dự án mở rộng tỉnh lộ 10B cho biết, họ hiện phải sống trong cảnh cầm chừng, thiếu nước sinh hoạt vì dự án đã cắt đi đường ống nước sinh hoạt chung. Thêm vào đó là rác thải, phế liệu, nước ngập úng ứ đọng xung quanh, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh: Sở dĩ dự án có sự chậm trễ là do nhiều hộ dân trong khu vực này chưa bàn giao mặt bằng không chấp nhận giá bồi thường đưa ra. Trước tình hình trên, huyện đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh cấp vốn để chi trả cho người dân.
Sau khi có vốn, sẽ tiến hành vận động người dân một lần nữa. Nếu hộ nào không đồng ý nhận tiền và giao mặt bằng, Ban sẽ đề xuất UBND huyện ra quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, về phía người dân, đại diện hộ bà Nguyễn Thị Mười chia sẻ: Chúng tôi không di dời bởi vì mức giá đền bù quá thấp. Giá ở ngoài mặt tiền chỉ có khoảng 2,5 triệu đồng/m2 , còn trong hẻm chưa được 2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có đơn giá đất tính bồi thường cho dự án đầu tư xây dựng khu dân cư tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh).
Cụ thể, giá đất ở mặt tiền tỉnh lộ 10 (đoạn từ ranh giới quận Bình Tân đến cầu Xáng) khoảng 8,6 triệu đồng/m2, mặt tiền đường Lô II khoảng 2,6 triệu đồng/m2. Vì vậy, các hộ dân bức xúc, không thể di dời khi mà mức giá chênh lệch quá lớn. Hầu hết các hộ dân ở nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án tổ chức một cuộc họp cho dân, để dân có ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hồ Chí Minh nhận định: Việc người dân huyện Bình Chánh không chịu bàn giao mặt bằng vì giá bồi thường quá thấp. Bất đồng quan điểm về vấn đề này tạo ra sức ép căng thẳng giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm lớn thuộc về các cơ quan liên quan và chủ đầu tư.
Bởi lẽ, khi thực hiện dự án ở nơi đây, các đơn vị chưa áp dụng hiệu quả các biện pháp phân tích, đánh giá… nhằm đưa ra phương án dự phòng, kịp thời báo cáo lên cấp trên để điều chỉnh đơn giá bồi thường trong quá trình thực hiện dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng