Chẻ nhỏ căn hộ: Phải hỏi cư dân liên quan

Cập nhật 29/06/2013 09:33

Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư chỉ phải hỏi ý kiến khách hàng sắp mua các căn hộ chẻ nhỏ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phải hỏi cả những cư dân trước đây đã mua căn hộ trong dự án.

Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư chỉ phải hỏi ý kiến khách hàng sắp mua các căn hộ chẻ nhỏ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng phải hỏi cả những cư dân trước đây đã mua căn hộ trong dự án.

Để giảm bớt khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013 cho phép điều chỉnh căn hộ nhà ở thương mại từ diện tích lớn thành diện tích nhỏ. Tuy nhiên, quy định này đang gặp vướng mắc khi áp dụng, rất dễ dẫn đến tranh chấp mà thực tế tại TP đang xảy ra.

Chung cư Mỹ Đức (phường 21, quận Bình Thạnh), nơi xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trong việc chia nhỏ căn hộ. Ảnh: HTD

Chỉ hỏi người sắp mua?

Tháng 4-2013, Công ty Bảo Gia có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin điều chỉnh quy mô căn hộ lớn (315-615 m2) thành căn hộ nhỏ hơn (86,6-116,6 m2) tại chung cư Bảo Gia, 182-184 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11. Trong văn bản trả lời, Bộ Xây dựng cho rằng kiến nghị của Công ty Bảo Gia là phù hợp.

Về việc hỏi ý kiến khách hàng trước khi làm thủ tục điều chỉnh, Bộ Xây dựng cho hay chủ đầu tư chỉ phải hỏi những khách hàng mua các căn hộ xin điều chỉnh. Bộ cho biết khoản 3 Điều 1 Thông tư 02 nêu: “Trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chủ đầu tư phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng”. Theo quan điểm của Bộ, khách hàng cần lấy ý kiến ở đây là chủ sở hữu của các căn hộ sẽ điều chỉnh.

Sẽ khiếu nại vì quyền lợi bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho hay rất lo ngại xảy ra khiếu nại, tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư nếu công văn của Bộ Xây dựng trả lời Công ty Bảo Gia là câu trả lời chung cho mọi dự án xin chẻ nhỏ căn hộ (tức là không hỏi ý kiến của những cư dân đã mua các căn hộ ngoài những căn đang xin chẻ nhỏ). Bởi những người này chắc chắn sẽ không đồng ý khi phải chia sẻ chỗ để xe, hành lang, thang máy hoặc các tiện ích khác do dự án đột nhiên tăng thêm căn hộ, số người so với lúc họ mua.

“Giảm diện tích thì tăng số lượng căn hộ, càng nhiều căn hộ thì dân số càng lớn. Chia nhỏ căn hộ mà bảo rằng quy mô dân số cũng như cũ là vô lý” - ông Tuyến khẳng định.

Một vấn đề nữa là một mặt Thông tư 02 quy định phải hỏi ý kiến khách hàng trước khi điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhưng mặt khác, trong thành phần hồ sơ phải nộp cơ quan chức năng lại không có văn bản này. “Cơ quan quản lý hành chính không được phép đòi các loại giấy tờ không có trong quy định. Vậy họ biết dựa vào đâu để tin rằng chủ đầu tư đã hỏi ý kiến khách hàng? Nếu giải quyết cho chủ đầu tư mà không cần văn bản thỏa thuận thì khách hàng sẽ khiếu nại cơ quan chức năng, rất mệt mỏi” - ông Tuyến phân tích.

Theo ông Tuyến, hợp lý nhất là phải hỏi ý kiến của những khách hàng đã mua căn hộ và dọn vào sinh sống. Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, đồng tình: “Khách hàng sở dĩ chấp nhận mua căn hộ là do đã cân nhắc kỹ về những tiện ích, môi trường sống, quyền sở hữu chung… của dự án. Nay chủ đầu tư điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ như thang máy bị kẹt hơn, đông người sinh sống làm mất yên tĩnh, chỗ đậu xe chật hơn tức là đã vi phạm cam kết ban đầu. Do vậy, những người đã mua căn hộ trước đây phải được hỏi ý kiến là hợp lý”.

Vừa qua, 37 hộ dân tại chung cư Mỹ Đức (phường 21, quận Bình Thạnh) đã khiếu nại về việc chủ đầu tư chia nhỏ 28 căn hộ có diện tích 160-170 m2 chưa bán được thành những căn hộ 54 m2 mà không hỏi ý kiến cư dân. Theo các hộ dân, việc chia nhỏ căn hộ làm cơ cấu căn hộ và tỉ lệ dân số tăng lên, chất lượng dịch vụ giảm xuống.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP