Chạy đà từ chính sách

Cập nhật 03/04/2014 13:20

Hàng loạt chính sách mới cho thị trường BĐS đang được chuẩn bị kỳ vọng sẽ tạo những đột phá cho thị trường, mà mục tiêu cao nhất là giúp doanh nghiệp vượt thoát khó khăn, đồng thời đưa nhà ở đến tay người dân có nhu cầu thực.

Hàng loạt chính sách mới cho thị trường BĐS đang được chuẩn bị kỳ vọng sẽ tạo những đột phá cho thị trường, mà mục tiêu cao nhất là giúp doanh nghiệp vượt thoát khó khăn, đồng thời đưa nhà ở đến tay người dân có nhu cầu thực.


Nhiều chính sách đổi mới

Sự thay đổi tích cực trên thị trường BĐS nửa cuối năm 2013 và đầu 2014 cho thấy những giải pháp, chính sách của Chính phủ đã bước đầu tạo ra những hiệu quả nhất định, giúp thị trường tan băng và tạo ra niềm tin, sự hứng khởi trong tâm lý người mua.

Chính vì vậy, bên cạnh những động thái thực tế của thị trường, sự chờ đợi những chính sách tiếp theo của Chính phủ đã bắt đầu xuất hiện ở người dân và doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, để hỗ trợ thị trường BĐS vượt khó, không chỉ dùng tiền mà quan trọng phải có chính sách hướng tới người dân.

Từ quan điểm trên, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án BĐS. Qua đó, phân loại từng phân khúc, đối tượng khách hàng để có giải pháp hỗ trợ thị trường. Bộ cũng đã có chủ trương dừng những dự án kém hiệu quả; đồng thời cho phép chuyển đổi công năng sử dụng.

Những chính sách này là giai đoạn chuẩn bị, là bước đệm cho một thời điểm thích hợp, có thể khiến thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn tắc hơn. Và điều này phần nào đã có thể thấy qua sự khởi sắc trên thị trường. GS. Đặng Hùng Võ

Gói 30.000 tỷ đồng cũng tích cực được gỡ khó để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Luật Đất đai 2013 khi có hiệu lực thi hành vào 1-7-2014 cũng sẽ tạo hành lang pháp lý, giúp vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS có bước đột phá, lúc này mới có thể thu hút không chỉ trong nước mà cả giới đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ khắc phục được 10 nhược điểm của Luật Nhà ở hiện hành; đồng thời mở ra những hướng đi mới cho thị trường BĐS, trong đó có nhiều vấn đề quan trọng như mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, giảm thiểu kiện tụng và tranh chấp…

Thị trường bắt đầu sinh lãi

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường căn hộ chung cư có diễn biến khá tích cực, lượng tiêu thụ và giao dịch ngày càng tăng. Đặc biệt, ở một số dự án có mức giá trên dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2 đã thu hút sự quan tâm của khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, hàng loạt dự án trên thị trường đã xuất hiện mức tiền “chênh”, biểu thị cho việc sinh lãi đã quay trở lại.

Có thể kể đến Kim Văn Kim Lũ với giá gốc chỉ từ 10-14,5 triệu đồng/m2, nhưng người mua lại phải bỏ ra thêm 50-70 triệu đồng mỗi căn ở CT12, hay lên tới 100 triệu đồng mỗi căn ở CT11. Hoặc VP5 Linh Đàm giá gốc chủ đầu tư chỉ 14-16 triệu đồng/m2 nhưng tiền chênh lên đến 45-100 triệu đồng/căn…

Một số dự án nhà ở khác ở phân khúc trung bình như CT1 Viện 103 Văn Quán, 136 Hồ Tùng Mậu, CT1-CT2 Trung Văn, CT3 Cổ Nhuế Nam Cường… cũng đều có mức chênh lệch từ 30-200 triệu đồng/căn. Không chỉ ở phân khúc bình dân, phân khúc cao cấp cũng đã có những sự dịch chuyển nhất định. Dự án Mandarin Garden (Trung Hòa - Nhân Chính) giá bán 31-33 triệu đồng/m2, lượng tiền chênh 100-200 triệu đồng/căn tùy vị trí, diện tích.

Dự án chung cư Hòa Phát (Thanh Xuân, Hà Nội) những căn hộ vị trí đẹp hướng hồ, căn góc mức chênh lệch khoảng 150-200 triệu đồng/căn. Dự án chung cư UDIC (NO 4, Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội) giá bán 28 triệu đồng/m2, tiền chênh 200-300 triệu đồng/căn đối với căn có diện tích nhỏ dưới 100m2. Những dự án từng gây ấn tượng trên thị trường như Royal City, Times City hay Indochina Plaza, mức chênh đều không dưới 200-300 triệu đồng/căn tùy vị trí, diện tích.

Theo các chuyên gia BĐS, việc trên thị trường xuất hiện mức tiền chênh lệch lớn khi giao dịch giữa người dân với nhau đã thể hiện sự ngấm chính sách của thị trường BĐS. Khi có lợi nhuận, hấp lực từ thị trường BĐS sẽ tăng lên, người dân cũng vì thế quay lại đổ tiền vào thị trường thay vì thờ ơ như trước, cơ hội phục hồi của BĐS nhờ đó cũng rộng cửa hơn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn này sẽ dẫn đến một tác hại mà các chính sách không mong muốn.

Đó là giá nhà tiếp tục tăng cao, người có nhu cầu thực sẽ càng khó khăn hơn khi mua nhà. Chính vì vậy, việc gia tăng nguồn cung, tạo nhiều dự án giá nhà ở trung bình, giá thấp thay vì tập trung vào vài dự án như hiện nay, sẽ trở thành yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của các chính sách về nhà ở mà Nhà nước đã dày công chuẩn bị suốt nhiều năm qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư