Chậm tiến độ, khó khăn chồng chất

Cập nhật 08/09/2010 09:10

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 5 dự án ký túc xá (KTX) với tổng vốn đầu tư 3.884 tỷ đồng...

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 5 dự án ký túc xá (KTX) với tổng vốn đầu tư 3.884 tỷ đồng, cung cấp 67.000 chỗ ở cho sinh viên, dự kiến hoàn thành 60.000-70.000 chỗ ở vào năm 2011. Tuy nhiên, sau khi khởi công, các dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn, khó hoàn thành kịp tiến độ, xa dần mục tiêu lạc quan đề ra.

Thiếu vốn, vướng quy định

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 509.000 sinh viên đang học tập, dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên 570.000 sinh viên, trong đó 70% đến từ các tỉnh, nhu cầu ước cần có 239.000 chỗ ở. Tuy nhiên, KTX của các trường ĐH và CĐ chỉ mới đáp ứng được khoảng 63.000 chỗ (26% nhu cầu), số còn lại thuê nhà trọ bên ngoài của các hộ dân.


Ký túc xá ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh.

Sau một năm triển khai chương trình xây dựng KTX sinh viên trên địa bàn TP bước đầu tiến triển khá nhanh với 5 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (KTX cụm Trường ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Giao thông Vận tải - cơ sở 2, ĐH Văn hóa TP - cơ sở 2), tổng vốn đầu tư 3.884 tỷ đồng, quy mô 661.660m2 sàn xây dựng, cung cấp 67.000 chỗ ở cho sinh viên, dự kiến hoàn thành 60.000-70.000 chỗ ở vào năm 2011.

Tuy nhiên, hiện nhiều dự án lâm vào tình trạng "đói" vốn. Nguyên nhân, trước hết do Bộ Xây dựng quy định nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ đầu tư vào KTX sinh viên chỉ bao gồm chi phí xây lắp và thiết bị nên kế hoạch vốn phân bổ cho các dự án cũng chỉ có vậy. Nhiều chi phí khác của dự án chưa tìm được nguồn vốn chi trả như: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trong khu dự án, nối kết với hệ thống hạ tầng khu vực chung quanh và các hạng mục công trình phục vụ khác để sử dụng đồng bộ với KTX. Trong đó dự án KTX ĐH Quốc gia TP cần chi phí xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công trình phục vụ, tư vấn… đến 980 tỷ đồng (chiếm 30% tổng vốn đầu tư). Còn dự án KTX của 4 trường ĐH còn lại cũng có mức chi phí khác (ngoài vốn trái phiếu) chiếm 15% tổng vốn.

Một ví dụ điển hình là dự án KTX ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Dù được xem như "chủ lực" trong chương trình xây dựng KTX cho sinh viên, chiếm 90% kế hoạch; nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang bị chững lại. Tổng thể khu KTX thuộc xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có tổng diện tích 33,8ha. Trong đó khu A (5,8ha) có 2 doanh nghiệp. Công ty 61 đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, còn Công ty CP Công trình giao thông 68 (khoảng 3ha) chưa đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Khu B (28ha) chủ yếu là đất nông nghiệp, có 80 hộ dân cư ngụ, 77 hộ đã chấp nhận đền bù, chỉ còn 3 hộ khiếu nại đơn giá bồi thường. Nhưng do 56 hộ đã bàn giao mặt bằng lại chưa nhận được nền tái định cư nên đã ngăn cản không cho đơn vị thi công móng. Việc chậm tiến độ xây dựng khu tái định cư, kéo theo chậm giải phóng mặt bằng và tiến độ chung toàn dự án KTX ĐH Quốc gia và chương trình KTX sinh viên của thành phố.

Làm gì để đẩy nhanh tiến độ?


Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng KTX sinh viên - Phó Chủ tịch UBND TP nguyễn Thành Tài cho biết, TP đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm xem xét giải quyết, bố trí 1.032 tỷ đồng vốn trái phiếu cho các dự án xây dựng KTX của TP. Đồng thời, phân bổ vốn đầu tư xây dựng cho 2 dự án KTX ĐH Giao thông Vận tải - cơ sở 2 và KTX ĐH Văn hóa TP - cơ sở 2, bố trí bổ sung vốn cho dự án KTX ĐH Quốc gia TP. Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Công ty CP Công trình giao thông 68 khẩn trương bàn giao mặt bằng cho ĐH Quốc gia TP để triển khai thi công xây dựng KTX, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011. Đồng thời, trong quá trình thi công cần chú trọng thực hiện hoàn chỉnh từng block, từng cụm để có thể bố trí sinh viên vào ở ngay mà không phải đợi toàn bộ dự án hoàn tất mới đưa vào sử dụng.

Để bảo đảm mục tiêu xây dựng KTX đạt 100.000 chỗ ở sinh viên giai đoạn 2011-2015, TP cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt danh mục 5 dự án KTX nêu trên bằng nguồn vốn trái phiếu có tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng, đáp ứng 8.346 chỗ ở cho sinh viên.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới