Chậm “sổ đỏ” chung cư, lỗi tại chủ đầu tư

Cập nhật 06/12/2012 08:48

Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội lâm vào tình trạng dân chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nguyên nhân chính do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội lâm vào tình trạng dân chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nguyên nhân chính do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
 

(Ảnh minh họa)


Vừa qua, HĐND TP.Hà Nội đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư, cơ chế đầu tư và quản lý đối với chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong quá trình sử dụng, quản lý, khai thác nhà chung cư, bước đầu có sự phối hợp giữa chủ đầu tư (CĐT) và các quận, huyện, thị xã trong việc thành lập các tổ dân phố, các chi bộ Đảng và đoàn thể tại các nhà chung cư, khu nhà ở tại các khu đô thị; tại một số nhà chung cư đã thành lập được Ban quản trị (được UBND cấp quận công nhận), bước đầu đã hoạt động tương đối hiệu quả, là cầu nối giữa nhân dân sinh sống tại các nhà chung cư với chính quyền địa phương và CĐT, đơn vị quản lý nhà chung cư trong việc phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan khu đô thị, làm công tác hòa giải khi phát sinh các tranh chấp…

Tuy nhiên trong công tác quản lý chung cư còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Việc phối hợp giữa CĐT với chính quyền cơ sở trong quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng còn yếu; các hộ kinh doanh tại tầng 1 thuê mặt bằng thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, diện tích sử dụng chung của tòa nhà (lối đi thoát hiểm, cầu thang bộ…) để bày bán, kinh doanh, đặt biển hiệu, biển quảng cáo không đúng quy định vi phạm về trật tự đô thị. Việc tự ý cải tạo, sửa chữa tại các khu chung cư chưa được kiểm sát chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm từ cơ sở làm ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu của tòa nhà và gây khó khăn khi gặp sự cố (đặc biệt là tại các khu chung cư tái định cư).

Hạ tầng nhiều khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư không đồng bộ. Việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh chưa tốt; không ít CĐT chậm bàn giao cho các ngành, địa phương quản lý; công tác duy tu, duy trì chưa thường xuyên; việc xử lý trách nhiệm với các vi phạm trong đầu tư, quản lý và khai thác chưa nghiêm, nhiều lĩnh vực chưa có chế tài xử lý thích hợp. Hạ tầng xã hội trong các khu nhà ở, khu đô thị như xây dựng trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng...không được CĐT thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng thành phố cũng chưa có chế tài ràng buộc, dẫn đến việc bất cập trong công tác quản lý cho chính quyền địa phương, không đáp ứng được nhu cầu cho khu dân cư.

Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chậm. Nhiều chung cư đã bàn giao, sử dụng nhưng CĐT vẫn chưa hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước (trong đó chủ yếu là nghĩa vụ tài chính) dẫn đến gây khó khăn trong việc xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người dân. Nhiều hộ cho thuê căn hộ làm văn phòng hoặc kinh doanh, gây khó khăn trong công tác quản lý dân cư và đảm bảo an ninh trật tự. Việc quản lý hành chính đối với các tòa nhà, khu chung cư nằm trên vị trí của nhiều phường, nhiều quận chưa được hướng dẫn thực hiện kịp thời, làm phức tạp cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở và lợi ích của các hộ dân. Việc thành lập các tổ dân phố tiến độ chậm.

Mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm của CĐT, đơn vị được giao quản lý và người dân trong quản lý và sử dụng nhà chung cư (về giá dịch vụ, khai thác diện tích sử dụng chung…) chậm được giải quyết, có chỗ tạo nên sự lộn xộn, bức xúc.

Nguyên nhân được chỉ ra, ngoài việc các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu quy định chi tiết và bị chồng chéo, còn do sự phối hợp giữa các sở ngành với UBND các quận, huyện và các CĐT trong tổ chức, quản lý và vận hành tòa nhà chung cư không đồng bộ, thiếu chặt chẽ, nhiều việc không rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào. Sự chủ động của chính quyền cơ sở phối hợp với CĐT trong quản lý dân cư chưa cao. Ý thức trách nhiệm của cả doanh nghiệp, CĐT và người dân sống tại tòa nhà trong quản lý và sử dụng nhà chung cư chưa tốt.

HĐND thành phố đề xuất UBND TP.Hà Nộ sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư để cụ thể hóa các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của thành phố trong năm 2012. Yêu cầu đơn vị quản lý nhà chung cư tái định cư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị theo quy định của pháp luật...là một trong những giải pháp, khắc phục những bất cập nói trên.

Hà Nội là thành phố có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất cả nước (16,64%). Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có 320 nhà chung cư mới xây dựng từ năm 2001 đến nay, cao từ 6 đến 48 tầng đã đưa vào sử dụng.
 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô